Ngày 16/8, Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH hệ sinh thái VOS HOLDINGS tổ chức tọa đàm về tín chỉ carbon. Tọa đàm có 100 đại biểu dự trực tiếp và có hơn 400 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: TL |
Đào tạo, nâng cao hiểu biết về thị trường cacbon là cần thiết
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Trung Đông - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, với những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về nhiệm vụ trung hòa carbon vào năm 2050 để giải quyết biến đổi khí hậu, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng nhiều chính sách quan trọng, trong đó có các chính sách cho phép giao dịch tín chỉ carbon, nhằm khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng vào công cuộc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Hiện nay, Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 06/2022/NĐ-CP, quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon. Bộ NN&PTNT cũng đang triển khai những dự án thiết thực như mua bán tín chỉ rừng dựa trên Thỏa thuận ERPA về chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ, hay Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Đây là những sáng kiến góp phần đáng kể vào mục tiêu giảm phát thải carbon của quốc gia.
Ông Lê Hoàng Thế - Giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS Harvest kêu gọi người dân thay đổi suy nghĩ về carbon, phải coi đó là “bạn” là “nguồn tiền” bền vững, lâu dài. |
Theo ông Đông, trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết.
Do đó, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đã không ngừng thực hiện các hoạt động bồi dưỡng cho doanh nghiệp, phối hợp với các đối tác như Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos Holding để tổ chức nhiều lớp học giúp sinh viên tiếp cận với các khái niệm giảm phát thải khí nhà kính trong cả công nghiệp và nông nghiệp.
Muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm
Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế, GS. TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh chia sẻ, kể từ 2021, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ về biến đổi khí hậu toàn cầu tại COP26, đồng thời thực hiện cam kết khác trong khu vực ASEAN và các đối tác khác về năng lượng toàn cầu.
Cụ thể, Việt Nam đã tham gia vào Hợp tác Tiểu vùng Mê Kông Mở rộng (GMS) và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng như tham gia Liên minh Hành động Khí hậu Châu Á (APCAA).
GS. TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: TL |
Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên của Đối tác Năng lượng Toàn cầu (GEP), một sáng kiến nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Về chiến lược tăng trưởng xanh, năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, hướng tới phát triển kinh tế xanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg và Nghị định 06/2022/NĐ-CP nhằm mục tiêu phát triển tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thảo khí nhà kính. Ông Vinh đánh giá, việc xây dựng, triển khai thị trường carbon mang lại nhiều lợi ích và nguồn thu cho Việt Nam. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp nước ta lại lợi thế lớn tham gia vào thị trường carbon trong và ngoài nước. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đi đầu trong bán tín chỉ carbon.
Năm 2023 là một bước tiến quan trọng khi Việt Nam lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng)…
Vì vậy, ông Vinh hi vọng Việt Nam sẽ tích cực tham gia vào thị trường toàn cầu hơn nữa, đặt mục tiêu trong năm nay và năm sau bán thêm 5 triệu tín chỉ, nâng tổng số lượng carbon bán ra lên 25 triệu tín chỉ. Dự kiến, dịch vụ hấp thu và lưu giữ carbon rừng sẽ là một trong những lợi thế của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, truyền thông và phát triển nhân lực cũng đóng vai trò quan trọng trên quan điểm “muốn phát triển xanh, con người phải là trọng tâm”. Để chuyển biến và tham gia vào thị trường carbon, cần sự tham gia của nhiều thành phần cũng như các chiến lược từ ngoại giao, khí hậu đến công nghệ.
Trên cơ sở đó, đào tạo, nâng cao trình độ của nguồn nhân lực và các chuyên gia để thực hiện bài bản các bước từ đo đạc, báo cáo đến thẩm định. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần thúc đẩy, nâng cao nhận thức của người dân.
Ngoài các chương trình đào tạo, các viện đào tạo và nghiên cứu cũng cần cố gắng tham gia vào mạng lưới đào tạo quốc tế về tín chỉ carbon, với mục tiêu chia sẻ cùng Chính phủ trong triển khai thực hiện các chính sách, cam kết và lộ trình tăng trưởng xanh.
Năm 2023, Việt Nam đã chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ carbon và thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tiền đề để nhiều tổ chức, cá nhân và địa phương quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon vốn giàu tiềm năng. Hiện Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về thị trường tín chỉ carbon. Song song với đó, việc tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này cũng được nhiều bên liên quan đặt vấn đề tìm hiểu. |