PV: Quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT) hiện đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, số thuế thu từ lĩnh vực này chưa tương xứng với doanh thu của các nền tảng kinh doanh TMĐT trong nước và xuyên biên giới ở Việt Nam; có thể gây thất thoát cho ngân sách nhà nước; tạo tình trạng bất bình đẳng giữa những người kinh doanh. Theo ông, những cơ sở pháp lý quản lý thuế TMĐT hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu đề ra?

Nâng cao chế tài với người nộp thuế không tuân thủ
TS. Phan Phương Nam

TS. Phan Phương Nam: Hiện nay, các quy định về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT được nêu tại: Luật Quản lý thuế số 38; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38; Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP; Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và Quyết định số 2146/QĐ-BTC về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án “Quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT tại Việt Nam” nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với TMĐT trong nước và xuyên biên giới, chú trọng hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Theo quan điểm cá nhân tôi, về cơ bản các quy định hiện nay đã đáp ứng một phần các yêu cầu đối với hoạt động này. Tuy vậy, vẫn còn các hạn chế nhất định trong hoạt động này, cụ thể là khó khăn về việc xác định nguồn thu, người nộp thuế trên môi trường số, nên cơ quan quản lý thuế hiện nay cũng rất khó khăn trong việc xác định căn cứ tính thuế. Bởi lẽ, nếu các chủ thể chỉ thực hiện hoạt động này thông qua các website TMĐT thì việc quản lý thuế dễ dàng thông qua quản lý trang TMĐT, nhưng nếu các chủ thể này tạo các tài khoản cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội để livestream bán hàng thì rõ ràng tạo nên sự khó khăn không nhỏ cho cơ quan quản lý thuế.

Đặc biệt, việc đa dạng hóa các loại tiền thanh toán cũng đã và đang gây khó khăn trong công tác quản lý thuế, cụ thể là số phải nộp của người nộp thuế. Nếu như thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử… thì hoạt động này có thể quản lý được thuế. Song hiện nay, nhiều chủ thể kinh doanh TMĐT đã chấp nhận thanh toán cả một số đồng tiền điện tử... Các đồng tiền này chưa chính thức cho phép là phương tiện thanh toán tại Việt Nam. Bởi vậy, việc yêu cầu các chủ thể liên quan phối hợp để kiểm soát hoạt động thanh toán này là khó khăn.

Để quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan quản lý thuế cần hiện đại hóa công tác quản lý.
Để quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, cơ quan quản lý thuế cần hiện đại hóa công tác quản lý.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, muốn quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT thì cần phải đổi mới chiến lược. Thay vì kêu gọi sự tự giác kê khai, thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT, cơ quan thuế phải chuyển hướng quản lý ngay từ khâu giao nhận hàng hóa. Ông đánh giá thế nào về ý kiến trên?

TS. Phan Phương Nam: Theo tôi, để quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT một cách hiệu quả cần áp dụng đồng thời cả 2 cách thức: kêu gọi sự tự giác kê khai, thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức có hoạt động kinh doanh TMĐT và cũng cần quản lý chặt chẽ ngay từ khâu ban đầu: “giao nhận hàng hóa”. Bởi lẽ có cơ sở rõ ràng, cơ quan thuế mới có thể kiểm tra, thanh tra hoạt động của các chủ thể này để xem xét sự kê khai của họ chính xác chưa. Bên cạnh đó, sự quản lý chặt chẽ ngay từ khâu ban đầu “giao nhận hàng hóa” để quản lý thuế, qua đó giảm thiểu các chi phí quản lý cũng là nhằm tăng tính hiệu quả của hoạt động quản lý thuế.

Các giải pháp này bổ trợ lẫn nhau mà không xung đột nhau nếu biết vận dụng hợp lý. Đồng thời, tôi cho rằng việc quản lý hiệu quả các hoạt động "xuất nhập khẩu” theo hình thức “xách tay”, phi mậu dịch, tiểu ngạch cũng là một kênh hữu hiệu, hỗ trợ cho hoạt động này. Bởi khi đó, cơ quan quản lý thuế có thể yêu cầu các chủ thể kinh doanh giao nhận hàng hóa kiểm soát, quản lý lượng hàng hóa được giao nhận xuyên biên giới và xác định được người nộp thuế trong hoạt động TMĐT này hiệu quả hơn.

Nguồn thu ngân sách sẽ tăng khi chính sách thuế hoàn thiện

Theo Bộ Công thương, năm 2021, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Dự báo giai đoạn 2022 - 2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Như vậy, nếu căn cứ vào doanh thu hoạt động, có thể thấy đây là con số không nhỏ, nguồn thu ngân sách sẽ tăng lên đáng kể nếu chính sách thuế trong lĩnh vực TMĐT được hoàn thiện phù hợp.

PV: Trong thời gian tới, để việc quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, theo ông cần có những giải pháp gì?

TS. Phan Phương Nam: Theo quan điểm của tôi, để việc quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trong thời gian tới, cơ quan quản lý thuế cần có những giải pháp như: hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thông qua việc đơn giản hóa hơn thủ tục kê khai, nộp thuế, đặc biệt là cho các cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, cơ quan quản lý cần xây dựng cơ sở dữ liệu để có sơ sở đối chiếu khi cần thiết, nhằm xử lý các hành vi vi phạm thuế nói chung và thuế trong hoạt động TMĐT nói riêng cho chính xác, hợp lý.

Các quy định thuế hiện hành cần được rà soát để nâng cao chế tài với người nộp thuế không tuân thủ; có chính sách khen thưởng hợp lý cho những chủ thể có sự đóng góp cho hoạt động quản lý thuế, không chỉ là người nộp thuế, mà còn cả các chủ thể có liên quan như: ngân hàng, các chủ thể cung ứng hoạt động thanh toán khác (ví điện tử)…

Cùng với đó, cơ quan thuế tăng cường hợp tác với các bộ, ngành có liên quan, cũng như hợp tác quốc tế đối với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới để có số liệu điều tiết thuế hợp lý.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thách thức quản lý mặt hàng bán lẻ qua Zalo, Facebook bằng tiền mặt

Theo các chuyên gia, việc phát hiện các trường hợp có hoạt động TMĐT để truy thu thuế mới chỉ chủ yếu tập trung vào rà soát các cá nhân, tổ chức thực hiện các hoạt động quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua các trang web và trên một số nền tảng mạng xã hội như Google, Facebook, YouTube, Zalo…

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý thuế vẫn chưa thể theo kịp sự phát triển bùng nổ của lĩnh vực TMĐT. Việc kiểm soát hiệu quả đối với các hình thức hoạt động TMĐT khác như quảng cáo và bán hàng qua các thiết bị cầm tay, giao dịch qua hệ thống hai đầu P2P (giữa khách hàng với khách hàng), các phần mềm nói chuyện qua mạng như Zalo, Skype… vẫn chưa thực hiện được. Đồng thời, đối với các mặt hàng bán lẻ qua Zalo, Facebook thanh toán nhận hàng trả bằng tiền mặt thì việc quản lý là thách thức và đang là một khoản thất thu lớn.

Còn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, chia nhỏ thành nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế có sự không chuẩn xác và rất khó kiểm soát. Nhiều trang mạng xã hội có nguồn gốc ở nước ngoài và không có pháp nhân quản lý ở Việt Nam, gây không ít khó khăn trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện thu thuế.