Ngày 20/5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”.

Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ sẽ tạo tác động lan tỏa tới các lĩnh vực
Các diễn giả tại hội thảo. Ảnh: LV

Chuyển đổi số không phải là phong trào

Trái ngược với các hoạt động kinh doanh truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề, đại dịch Covid-19 không những không làm suy giảm nền kinh tế số mà còn tạo cả áp lực lẫn động lực thúc đẩy doanh nghiệp (DN) và chính phủ chuyển đổi. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành như y tế, điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, logistics hay lĩnh vực tài chính.

Đặc biệt, chuyển đổi số trong lĩnh vực dịch vụ không những giúp khu vực này vượt qua khó khăn trở ngại gây ra bởi đại dịch Covid-19 mà còn là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt là hoàn thiện thể chế và khung pháp lý để có thể thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số. Những rủi ro đầu tư, năng lực nguồn nhân lực cũng là những cản trở lớn đối với các DN trong chuyển đổi số. Với xu hướng phát triển hiện nay, chuyển đổi số trở thành tất yếu khách quan.

Bình luận xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số không phải là phong trào mà là xu hướng thị trường và buộc phải làm, nếu không làm thì không thể hi vọng Việt Nam có thể tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đâu đó vẫn còn tình trạng coi chuyển đổi số là phong trào.

Vị chuyên gia của ADB nhấn mạnh tới vai trò của Nhà nước trong chuyển đổi số. Theo ông, điều quan trọng là Nhà nước cần tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, vì chuyển đổi số trong lĩnh vực công sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cũng cho rằng, chuyển đổi số đâu đó vẫn còn hô hào, phong trào ở lĩnh vực công nhưng lĩnh vực tư đã tăng rất mạnh mẽ, đơn cử như sự tăng trưởng của mobile banking trong năm vừa qua.

TS. Lực đã chỉ ra 3 điểm nghẽn lớn nhất của chuyển đổi số hiện nay tại Việt Nam đó là vấn đề khung pháp lý; dữ liệu; nhân sự số cả trong và ngoài nước. Vì vậy, cần có các chính sách để giải quyết được 3 điểm nghẽn này.

Cần có nhiều hơn các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số

Kiến nghị chính sách và giải pháp nhằm nâng cao nền tảng số ngành dịch vụ, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, về mặt hạ tầng, Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Chính phủ cần thúc đẩy quá trình này thông qua việc hợp tác giữa DN nhà nước với khu vực tư, tránh tình trạng độc quyền dễ xảy ra trong nền kinh tế số do yêu cầu về chi phí cố định lớn và hiệu ứng quần tụ mạng lưới.

Về vấn đề nhân lực, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động thông qua tăng cường giáo dục và đào tạo công nghệ thông tin ở tất cả các cấp học. Ngoài kỹ năng số, cũng cần có những chính sách để bồi dưỡng, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo để duy trì năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế trong tương lai, thúc đẩy, tạo điều kiện cho DN trẻ, doanh nghiệp startup trong lĩnh vực công nghệ số. Ví dụ như hạ thấp rào cản gia nhập, khuyến khích các DN mới, đặc biệt là các công ty có năng lực công nghệ cao.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần cải thiện chính sách cạnh tranh trong nước. Mặt khác, Chính phủ cũng cần chú trọng hỗ trợ các DN trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực khác ngoài nhân lực. Việt Nam cần có nhiều hơn các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho DN về các mặt như vốn tài chính, kiến thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo và nhân viên DN, khả năng nắm bắt sự thay đổi về công nghệ và các hỗ trợ khác về mặt thông tin thị trường công nghệ.

Việt Nam cũng cần cải thiện khung pháp lý về kinh tế số, nâng cao khả năng bảo vệ người dùng các dịch vụ kỹ thuật số như ban hành luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, xây dựng thị trường bảo hiểm không gian mạng để giúp DN nhận được hỗ trợ tài chính khi có vấn đề xảy ra. Xác định mức độ ưu tiên của các chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các DN thuộc các lĩnh vực kinh tế khác nhau

Bên cạnh khuyến nghị với Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước, VEPR cũng đưa ra khuyến nghị với các DN. Theo đó, các DN cần xây dựng chiến lược, đầu tư nguồn lực (đặc biệt là nguồn lực tài chính) và xây dựng lộ trình chuyển đổi số, DN có thể xác định các hoạt động, khu vực ưu tiên chuyển đổi số trước. Đồng thời, nâng cao nhân thức, tư duy kinh doanh số của lãnh đạo DN; nâng cao hiểu biết và kỹ năng số của người lao động.

Thêm ý kiến về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam cũng nhấn mạnh tới vai trò của DN trong quá trình chuyển đổi số.

Theo ông Lộc, nhận thức vẫn là vấn đề quan trọng hàng đầu. Vấn đề chuyển đổi số đang được tiếp cận theo nghĩa hẹp, đang công nghệ thông tin hóa quá trình chuyển đổi số, trong khi đây chỉ là quá trình đầu tiên của chuyển đổi số… Nếu không coi cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị nhà nước đó là cốt lõi, nền tảng thì sẽ không thể có quá trình chuyển đổi số thực sự.

“Chuyển đổi số là 1 cuộc cải cách từ mô hình kinh doanh đến quản trị nhà nước. Đối với Nhà nước, đó là cải cách trong quản trị, còn động lực chính của chuyển đổi số phải là DN. Chính phủ không cần làm những việc cụ thể hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển đổi số mà chỉ nên hỗ trợ các DN đầu đàn và vai trò của các hiệp hội DN là rất quan trọng trong vấn đề này”- ông Lộc nhấn mạnh.