Hiện đại hoá công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, để thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ có chức năng thanh tra chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thanh tra, kiểm tra; đổi mới cách thức làm việc, thực hiện đúng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; tích cực trao đổi, phối hợp, nắm thông tin từ các cơ quan liên quan.

Đồng thời yêu cầu việc xây dựng đề cương, kế hoạch và triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2022, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính; áp dụng nguyên tắc thanh tra, kiểm tra theo cơ chế quản lý rủi ro; tổ chức làm việc, trao đổi thông tin trực tuyến với các bên liên quan, nhưng vẫn đảm bảo quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra và quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Bộ Tài chính đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thuế; thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cán bộ thanh tra, kiểm tra thuế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.

6 tháng đầu năm 2022, cơ quan thuế đã thực hiện 26.910 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 437.747 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế. Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 18.813 tỷ đồng (bao gồm: Tiền truy thu, truy hoàn là 3.674 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ là 13.659 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.479 tỷ đồng), số tiền đã nộp NSNN (bao gồm cả tiền xử phạt vi phạm hành chính) là 3.632 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp của doanh nghiệp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, về thuế theo qui định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thực hiện đánh giá, phân loại rủi ro các hồ sơ hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra 100% trong vòng một năm (kể từ thời điểm hoàn thuế) đối với các hồ sơ xác định có rủi ro cao đặc biệt với hoàn thuế xuất khẩu một số mặt hàng như: tinh bột sắn, cao su, hạt điều, dăm gỗ, nông sản,…

Thực hiện rà soát, phân tích rủi ro và tiến hành thanh tra kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao, các doanh nghiệp có giao dịch liên kết và doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc.

Rà soát, phân loại các trường hợp người nộp thuế rủi ro về hoàn thuế GTGT để thực hiện giám sát trọng điểm trong công tác quản lý thuế, quản lý hoàn thuế GTGT, thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT.

Cùng với đó, cơ quan thuế cũng đã phối hợp với cơ quan hải quan để xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp hoàn thuế và việc vận chuyển hàng hoá liên quan đến lô hàng xuất khẩu.

Phối hợp với cơ quan ngân hàng để xác minh việc thanh toán qua ngân hàng; phối hợp với cơ quan công an trong việc phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế;…

Triệt phá nhiều vụ án buôn lậu, gian lận thương mại

Đối với ngành Hải quan, Bộ Tài chính đánh giá, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới dịp Tết Nguyên đán, Kế hoạch triển khai công tác kiểm soát hải quan năm 2022.

Đồng thời, chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng Kế hoạch kiểm soát hải quan và triển khai hiệu quả trên phạm vi toàn quốc. Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, than; cảnh báo việc lợi dụng loại hình vận chuyển độc lập để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra
Cán bộ công chức thuế tham dự hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Kết quả, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 5.802 vụ vi phạm pháp luật hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 1.771 tỷ đồng; số tiền thu nộp NSNN là 158,9 tỷ đồng; cơ quan hải quan đã tiến hành khởi tố 18 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 34 vụ vi phạm.

Nhằm triển khai đồng bộ công tác kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đối với một số lĩnh vực quản lý, lực lượng KTSTQ đã nghiên cứu, đánh giá dấu hiệu rủi ro trong một số lĩnh vực theo 7 chuyên đề. Cùng với đó, lập danh sách 194 doanh nghiệp trên địa bàn quản lý của các cục hải quan; giao cho các cục hải quan phân tích số liệu, đánh giá các nguồn thông tin nghiệp vụ, xác định dấu hiệu vi phạm và phương pháp tiến hành kiểm tra để thực hiện KTSTQ.

6 tháng đầu năm 2022, cơ quan hải quan đã thực hiện KTSTQ được 1.188 cuộc, trong đó có 372 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 816 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Đã kiến nghị xử lý hành chính 218,8 tỷ đồng, trong đó: số tiền ấn định thuế là 172,3 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính là 46,4 tỷ đồng. Số tiền các đơn vị đã nộp vào NSNN là 153,9 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Hải quan thực hiện 89 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra nội bộ. Trong đó: 45 cuộc thanh tra chuyên ngành và 44 cuộc kiểm tra nội bộ. Kết quả tổng số tiền thuế kiến nghị truy thu trong toàn ngành 30,6 tỷ đồng, trong đó: số thuế truy thu 29 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính 1,7 tỷ đồng, số tiền đã nộp NSNN là 30,6 tỷ đồng.

Công tác kiểm soát về giá thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu đã phát huy hiệu quả. Đã có chỉ đạo áp dụng danh mục hàng hóa có rủi ro về trị giá với 951 mã HS 8 số và 7146 dòng hàng có mức giá tham chiếu, từ đó ngăn ngừa và phát hiện các trường hợp kê khai sai về trị giá, xác định lại trị giá hải quan, trị giá tính thuế phù hợp hàng hóa thực tế.

Kết quả tiền thuế tăng thêm do tham vấn giá trên cơ sở danh mục rủi ro về trị giá là khoảng 180 tỷ đồng.

Thông qua công tác trực ban, đã tập trung chỉ đạo kiểm tra các trường hợp khai sai mã hàng, trị giá hàng hóa, chỉ đạo kiểm tra nhiều mặt hàng gỗ xuất khẩu, thép phế liệu, rượu vang... Kết quả, từ công tác trực ban đã truy thu được số tiền là 2,5 tỷ đồng.

Tăng cường phân tích đánh giá rủi ro, xác định trọng điểm theo một số lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, cảnh báo rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hải quan đối với doanh nghiệp, loại hình có rủi ro cao, nâng cao hiệu suất, hiệu quả công tác kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container.

Kết quả, toàn ngành đã thực hiện soi chiếu 49.353 container, phát hiện nghi vấn 3.252 container, phát hiện vi phạm 377 container.

Công tác cảnh báo, hướng dẫn thực hiện kiểm soát hải quan, nhằm ngăn chặn, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới có hiệu quả. Kết quả tăng thu ngân sách từ công tác này đạt 186,3 tỷ đồng.

Cùng với cơ quan thuế và cơ quan hải quan, Thanh tra Bộ Tài chính đã bám sát diễn biến của dịch Covid-19, triển khai thực hiện thanh tra 9 cuộc theo kế hoạch. Đến nay các đoàn thanh tra đã kết thúc làm việc tại đơn vị và đang khẩn trương tổng hợp, lập báo cáo kết quả thanh tra, trình dự thảo kết luận thanh tra.

Bộ Tài chính đánh giá, công tác xử lý sau thanh tra được thực hiện đúng quy định và quy trình xử lý sau thanh tra từ khâu tiếp nhận hồ sơ, theo dõi đôn đốc, xử lý giải trình kiến nghị của đối tượng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị thanh tra. Chủ động nhập số liệu về các kiến nghị thanh tra vào sổ theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình thực hiện kiến nghị của các đơn vị./.