xe

Xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ 4 thế giới

Xe máy tiếp tục là phương tiện giao thông phổ biến nhất tại Việt Nam. Vào năm 2017, trong nước có hơn 56 triệu xe máy và trung bình mỗi hộ gia đình sở hữu 2,4 chiếc xe máy. Xe máy đáp ứng hơn 70% nhu cầu đi lại và sẽ tiếp tục đóng vai trò là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam trong những năm tới.

Được biết, Việt Nam là thị trường xe máy lớn thứ 4 trên thế giới (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia) và thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và ổn định cả về chất và lượng. Trong khi thị trường của các quốc gia khác đang bị bão hòa, nhu cầu về xe máy tại Việt Nam dự kiến vẫn ở mức cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), gần 3,4 triệu xe máy đã được bán ra trong năm 2018, tăng 3,5% so với năm 2017. Đây mới chỉ là thống kê của các thành viên VAMM, trong khi trên thị trường xe máy còn nhiều hãng xe máy khác và đặc biệt là sự xuất hiện ngày càng nhiều của các hãng xe máy điện.

Hiện nay và trong tương lai gần, hạ tầng giao thông công cộng tại các thành phố lớn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Vì lý do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấm xe máy có thể tạo ra những khó khăn và bất lợi lớn cho người dân ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn.

Có thể chỉ thực hiện quản lý hoặc cấm xe máy cũ

Ông Jean Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Eurocham cho biết, ngành công nghiệp xe máy của Eurocham cũng đưa ra khuyến nghị cần xem xét và nghiên cứu kỹ việc cấm xe máy lưu thông tại các thành phố lớn vào năm 2030. Theo đó, chính quyền địa phương nên xem xét thêm các giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trong các thành phố lớn.

Cụ thể, chính quyền các thành phố lớn cần thực hiện nghiên cứu, tham khảo và áp dụng thông lệ tốt nhất từ các quốc gia khác cho phép lưu thông xe máy như Đài Loan - nơi hệ thống giao thông công cộng và hạ tầng giao thông tiên tiến được sử dụng kết hợp hiệu quả với xe máy.

Theo ông Jean Jacques Bouflet, các thành phố phát triển tại châu Âu như Milan (Ý) và Paris (Pháp) đã thành công áp dụng biện pháp “khu vực hạn chế giao thông”. Việt Nam có thể tham khảo biện pháp này.

Bên cạnh đó, cần có các khảo sát xem xét nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống hàng ngày và công việc của người dân, tránh hệ quả tiêu cực về kinh tế.

Cũng theo Eurocham, nếu cấm xe máy thì chỉ thực hiện quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Vấn đề này có thể tham khảo kinh nghiệm của Ấn Độ - nơi chính phủ chỉ cấm xe máy đã sử dụng quá 20 năm.

- UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND về tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn 2030. Trong đó, đến năm 2030 sẽ thực hiện cấm xe máy tại các quận nội thành.
- Tháng 7/2017, chính quyền TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt đề xuất “Cải thiện giao thông công cộng, quản lý phương tiện cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và quản lý lưu lượng giao thông trong thành phố”.
- Chính quyền TP. Hồ Chí Minh năm 2017 cũng đã thảo luận đề xuất hạn chế và cấm xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cho đến nay, chưa có thêm quyết định chính thức về vấn đề này.

Thảo Miên