PV: Theo quan sát và đánh giá của ông, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) sẽ tác động như thế nào tới thu ngân sách của Việt Nam?

GS.TS Andreas Stoffers
GS.TS Andreas Stoffers

GS. TS. Andreas Stoffers: GMT là một thực tế mà Việt Nam cùng với hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới phải chấp nhận. Việc tập trung vào "thiên đường thuế" thay vì "địa ngục thuế", tức là các quốc gia có mức thuế cao, có hợp lý hay không trong sáng kiến quốc tế này, không còn là vấn đề phải bàn cãi nữa.

Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là xem xét rõ tác động khi thực hiện GMT đối với ngân sách nhà nước Việt Nam và có biện pháp phù hợp để đảm bảo Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn FDI và không ảnh hưởng xấu đến nguồn ngân sách nhà nước.

Thời gian cho chúng ta không còn nhiều vì GMT sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2024. Đây cũng là cơ hội để cơ quan thuế rà soát toàn bộ các quy định ưu đãi về thuế hiện hành và xác định tác động của GMT đối với từng lĩnh vực của nền kinh tế, từ đó đề xuất các giải pháp chuyên sâu cho từng lĩnh vực của nền kinh tế một cách hiệu quả.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã thấy rõ nhu cầu hành động cấp bách và bắt đầu nghiên cứu chi tiết về GMT từ tháng 8/2022. Một nhóm công tác bao gồm các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã được thành lập để tham vấn với Chính phủ. Mọi điều nên được đúc kết thành luật để đảm bảo tính đến lợi ích của tất cả các bên liên quan, tất nhiên bao gồm lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cần có biện pháp phù hợp để đảm bảo Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cần có biện pháp phù hợp để đảm bảo Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Có một thực tế là nếu Việt Nam triển khai GMT quá chậm, thì sẽ chịu nhiều bất lợi. Một mặt, Việt Nam sẽ không nhận được mức chênh lệch thuế 8% từ hơn 100 công ty FDI lớn đủ điều kiện hưởng mức thuế này. Số tiền này tương đương với vài tỷ USD hàng năm cho ngân sách quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, môi trường đầu tư tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng đầu tư sang các quốc gia khác có cơ chế chia sẻ lợi ích liên quan đến quy định thuế mới này.

PV: Áp dụng GMT liệu Việt Nam có bị mất đi lợi thế trong thu hút FDI, khi hiện nay ưu đãi thuế đang là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam, thưa ông?

GS. TS. Andreas Stoffers: Việt Nam đang sử dụng ưu đãi thuế như một công cụ đòn bẩy tài chính để thu hút đầu tư. So với các nước trong khu vực, thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam hấp dẫn hơn. Mặc dù con số chính thức 20% là khá cao, nhưng thuế suất ưu đãi (đặc biệt) thường được áp dụng lại rất hấp dẫn, dao động từ 5% - 17% tùy theo lĩnh vực, quy mô và địa bàn đầu tư. Hơn nữa, pháp luật hiện hành còn cho phép hình thức miễn giảm thuế. Thuế suất thực tế đối với FDI trong suốt thời gian đầu tư trung bình là 12,3%, với một số tập đoàn lớn con số này thậm chí chỉ là một vài phần trăm.

Điều này chắc chắn sẽ không tiếp tục với sự ra đời của GMT. Do đó, Việt Nam sẽ mất đi yếu tố hấp dẫn tài chính này. Vì vậy, cần phải có những biện pháp phù hợp kịp thời để giúp duy trì năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong tương lai, các yếu tố như độ mở và độ tin cậy của nền kinh tế, cơ sở hạ tầng hoạt động tốt, hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế, dân số có trình độ học vấn cao và các hiệp định thương mại tự do sẽ ngày càng trở nên quan trọng hơn. Ngoài ra, vị trí địa lý trung tâm của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á và thị trường nội địa ngày càng hấp dẫn với 100 triệu người tiêu dùng tiềm năng là những điểm tích cực hơn nữa.

Việt Nam cần phải thành công trong việc định vị lại chính mình trong cạnh tranh quốc tế và thể hiện hình ảnh đất nước - bất chấp việc áp dụng GMT - như một điểm đến hàng đầu cho lựa chọn đầu tư. Ngoài các biện pháp chính sách kinh tế cần thiết cho việc này, cũng cần phải thúc đẩy việc quảng bá hình ảnh cho Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Thuế tối thiểu toàn cầu mang lại nhiều cơ hội mới

Theo GS. TS. Andreas Stoffers, thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) là thách thức lớn, nhưng cũng mang đến những cơ hội mới cho Việt Nam. Việt Nam tiếp tục mang lại nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư, bao gồm hội nhập mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu, cam kết rõ ràng về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư, thị trường rộng lớn với 100 triệu người tiêu dùng và tầng lớp trung lưu giàu có ngày càng tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh cải cách thuế liên quan đến GMT, các vấn đề khác cũng cần được cải thiện mạnh mẽ, bao gồm vấn đề tuân thủ, cơ sở hạ tầng, quy trình hành chính, năng suất lao động cũng như vấn đề giáo dục và kỹ năng.

PV: Thời gian từ nay đến khi thực hiện GMT có hiệu lực còn rất ngắn. Nếu tham gia áp dụng GMT, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục có môi trường đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thưa ông?

GS. TS. Andreas Stoffers: Một thực tế rõ ràng là thời điểm áp dụng GMT đang đến. Đối với Việt Nam, điều quan trọng là phải tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới. Gánh nặng thuế bổ sung đối với các công ty FDI là một yếu tố quan trọng, nhưng nó chỉ là một trong nhiều điều cần quan tâm.

Tôi cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam phải tuân thủ chính sách mở cửa kinh tế. Điều này bao gồm bảo hộ đầu tư, cũng như số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định thương mại tự do hiện đang được tận dụng tương đối ít, như ví dụ về Hiệp định EVFTA cho thấy, vẫn còn rất nhiều việc để có thể thực hiện.

Đối với các nhà đầu tư, độ tin cậy của các quy định và sự ổn định chính trị trong một quốc gia là rất quan trọng. Đây là một lợi thế của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỗ cần cải thiện về quản lý thủ tục hành chính, ví dụ như việc đơn giản hóa đăng ký kinh doanh hay cấp thị thực cho doanh nhân nước ngoài cần nhanh hơn và toàn diện hơn.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là một công cụ hữu ích cho vấn đề này. Nhìn chung, nâng cao năng lực cạnh tranh giữa các địa phương là điều rất tích cực, vì điều này tạo ra sức cạnh tranh lành mạnh cho các tỉnh để thu hút các nhà đầu tư hấp dẫn. Các tỉnh sở hữu những điều kiện tốt nhất (ngoài thuế) sẽ chiếm ưu thế. Đồng thời, đây cũng sẽ là động lực để các tỉnh thi đua như một cuộc cạnh tranh lành mạnh. Điều này áp dụng trên nhiều khía cạnh như cơ sở hạ tầng cũng như nhân sự, quy trình quản lý và tính minh bạch/tuân thủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện chính sách để thu hút đầu tư

GS. TS Andreas Stoffers cho rằng, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội quan trọng trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu để xem xét lại việc sử dụng các ưu đãi thuế và hoàn thiện khung chính sách đầu tư của mình, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong dài hạn đối với các doanh nghiệp đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài. Thuế tối thiểu toàn cầu là một thực tế phải đối mặt. Điều quan trọng hiện nay đối với Việt Nam là sử dụng công cụ chính sách thuế này một cách thuần thục.

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần lưu ý trao đổi ý tưởng và bài học kinh nghiệm với các quốc gia khác, đặc biệt là những cách tiếp cận và kinh nghiệm của các nền kinh tế mới nổi khác trong ASEAN. Trong bối cảnh đó, cũng cần xem xét cơ chế khuyến khích vốn có vai trò định hướng và thu hút đầu tư không nhỏ. Điều cần thiết là duy trì chính sách kinh tế mở của Việt Nam. Các đối tác thương mại và đầu tư nên được đa dạng hóa để giảm sự phụ thuộc vào một bên. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển thêm các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ để giảm sự phụ thuộc đầu tư vào một số ngành công nghiệp.