hai

Cán bộ Hải quan Hải Phòng hướng dẫn DN hoàn thiện tờ khai.

Đây là nhiệm vụ rất thách thức bởi tốc độ thu bình quân 6 tháng đầu năm là 23.500 tỷ đồng/tháng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Tổng cục Hải quan.

PV: 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã thu ngân sách đạt 141.000 tỷ đồng, bằng hơn 49% dự toán, tăng 9,41% so với cùng kỳ. Xin ông đánh giá tình hình thực hiện trong 6 tháng đầu năm?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Năm 2017, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu 285.000 tỷ đồng, tăng 5,04% (bình quân phải thu 23.750 tỷ đồng/tháng) so với năm 2016 và chỉ tiêu phấn đấu thu đạt 290.000 tỷ đồng, (tương đương bình quân phải thu đạt 24.167 tỷ đồng/tháng).

6 tháng đầu năm số thu của ngành Hải quan tăng 9,1% so với cùng kỳ 2016. Yếu tố tăng thu ngân sách là do kim ngạch XNK của cả nước 6 tháng đầu năm đạt 198,6 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ. Số thu tăng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng chủ lực như: ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt thép, máy móc thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu).

Đặc biệt, các giải pháp chống thất thu, gian lận qua mã, giá, C/O của ngành Hải quan đã thu được kết quả rõ nét, tăng trách nhiệm của cán bộ hải quan, với số nộp ngân sách tăng hàng ngàn tỷ đồng. Theo đó, toàn bộ lực lượng hải quan đã kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu khai báo khi làm thủ tục cho đến khâu kiểm tra trong thông quan và sau thông quan; kịp thời phát hiện các trường hợp khai báo trị giá chưa phù hợp để tham vấn, truy thu thuế. Cán bộ hải quan kiểm tra kỹ các trường hợp được hưởng ưu đãi FTAs (Hiệp định thương mại tự do), các điều kiện được hưởng mức thuế thấp để loại trừ không áp dụng, tránh trường hợp DN lợi dụng khai báo mức thuế thấp, gây thất thu ngân sách.

tuong

Ông Lưu Mạnh Tưởng

6 tháng đầu năm toàn ngành Hải quan đã tăng thu gần 430 tỷ đồng từ công tác thu hồi và xử lý nợ thuế (tăng 6 lần so với cùng kỳ); tăng thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ việc áp dụng danh mục quản lý rủi ro về giá. Các giải pháp chống gian lận về mã số, trị giá, C/O, kiểm tra sau thông quan cũng góp phần tăng thu 1.572 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thu ngân sách của ngành Hải quan trong nửa cuối năm 2017, thách thức đặt ra khi Việt Nam thực hiện các FTA?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Mặc dù số thu ngân sách của ngành Hải quan 6 tháng đầu năm 2017 đạt mức tương đối cao. Tuy nhiên tốc độ tăng thu có dấu hiệu chậm dần, có nguyên nhân khách quan và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong những tháng cuối năm. Cụ thể, hiện giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ở dưới mức 50 USD/thùng. Thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 40% xuống còn 30% nên năm 2017, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chuyển hướng nhập khẩu sang ASEAN. Sang năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ từ ASEAN sẽ còn giảm xuống 0%, do đó khả năng thu quý III, IV/2017 từ mặt hàng này sẽ giảm mạnh do tâm lý chờ giảm thuế gây ảnh hưởng không nhỏ đến tổng thu cả 2017.

Trước đó trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện FTAs đã làm giảm thu 8.090 tỷ đồng, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với dự toán. Do đó, nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Hải quan những tháng cuối năm dự báo sẽ rất khó khăn.

PV: Để hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu năm 2017 là 290.000 tỷ đồng, ngành Hải quan sẽ triển khai các giải pháp nào trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lưu Mạnh Tưởng: Theo tính toán trong những tháng cuối năm, ngành Hải quan phải quyết tâm thu đạt 24.850 tỷ đồng/tháng mới đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu phấn đấu 290.000 tỷ đồng. Đây là một nhiệm vụ rất thách thức bởi tốc độ thu bình quân 6 tháng đầu năm chỉ là 23.500 tỷ đồng/tháng.

Do đó, ngày 29/6, trên cơ sở đánh giá các yếu tố tăng -giảm và tốc độ thu 6 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 1193, điều chỉnh và giao chỉ tiêu phấn đấu cho từng cục hải quan tỉnh, thành phố; yêu cầu cục trưởng các cục hải quan tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu do Tổng cục giao. Đồng thời, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện 2 nhóm giải pháp tại Chỉ thị 1193/CT-TCHQ (ngày 27/2/2017).

Thứ nhất, đối với nhóm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị, các cục hải quan trực thuộc triển khai sớm các đề án: ứng dụng công nghệ thông tin; phối hợp thu ngân sách qua ngân hàng và thông quan 24/7; đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa cho DN...

Thứ hai, các đơn vị tập trung nguồn lực chống gian lận trị giá tính thuế đối với các mặt hàng (ô tô, xe máy, rượu, bia, vải, hàng điện tử, sắt, thép...) có thuế suất cao khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu giá của ngành Hải quan; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chuyên đề chống thất thu thuế...

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan sẽ bố trí nguồn lực hợp lý, tăng cường công tác quản lý thuế, ngăn chặn hiện tượng gian lận thương mại về số lượng, trị giá, mức thuế đối với hàng hóa bắt buộc tại cửa khẩu theo Quyết định 15/2017/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 1/7/2017), để tăng thu cho ngân sách.

Hải Linh (thực hiện)