Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo “Hành trình hội nhập cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi chính phủ số với ngành Tài chính”.

Ứng dụng CNTT vào các hoạt động nghiệp vụ tài chính

Tại hội thảo, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục TH&TKTC cho biết, hội thảo là một trong những hoạt động khẳng định ngành Tài chính đang và sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tìm hiểu mô hình, giải pháp chuyển đổi chính phủ số của các nước trên thế giới. Từ đó, xác định mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số phù hợp với ngành Tài chính với việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) vào công tác quản lý điều hành xây dựng tài chính số.

Cũng theo ông Đặng Đức Mai, đến nay, công nghệ thông tin (CNTT) đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành huyết mạch trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước....; cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.

Bổ sung thêm thông tin, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục TH&TKTC cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT nhằm hỗ trợ công tác quản lý tài chính, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong ngành. Theo đó, đã hình thành và triển khai có hiệu quả một số hệ thống thông tin lớn, hiện đại, có tính đột phá trong lĩnh vực quản lý tài chính, như hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Cùng với đó là hệ thống trao đổi dữ liệu thu nộp thuế giữa các cơ quan thuế - kho bạc - hải quan - tài chính; hệ thống đăng ký tài sản nhà nước; hệ thống thông tin quản lý nợ (DMFAS); hệ thống hải quan điện tử và thực hiện cơ chế quản lý hải quan một cửa quốc gia phục vụ hiện đại hóa hải quan; hệ thống quản lý thuế thu nhập cá nhân, hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS),...

Cổng thông tin điện tử ngành Tài chính đã cung cấp trên 960 TTHC, trong đó 92 TTHC đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, có 284 TTHC đã được cung cấp thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới là công nghệ “lõi” của CMCN 4.0 trong lĩnh vực kỹ thuật số gồm: công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics) và công nghệ điện toán đám mây (Cloud).

Tiệm cận dần với CMCN 4.0

Theo các diễn giả, hiện Chính phủ Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng chính phủ điện tử và tài chính điện tử. Để tiếp cận cuộc CMCN 4.0, các cơ quan chính phủ đang khẩn trương nghiên cứu và tiến hành thực hiện quá trình chuyển đổi số để tiến tới chính phủ số.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đang ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai nhiệm vụ xây dựng kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ Tài chính định hướng chuyển đổi số và triển khai kiến trúc cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính trên cơ sở tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin trong, ngoài ngành.

Còn theo Cục trưởng Đặng Đức Mai, để tận dụng được các cơ hội và hạn chế các thách thức do CMCN 4.0 mang lại, tăng tính chủ động, Việt Nam cần ban hành một cách đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, trong đó hệ thống chính sách thuế và tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc huy động, phân bổ nguồn lực và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào cuộc CMCN 4.0, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cũng tại hội thảo, đại diện công ty SAP Việt Nam đã giới thiệu và chia sẻ với Bộ Tài chính về các công nghệ mới cũng như các bài học, giải pháp, lộ trình chuyển đổi số mà SAP đã triển khai tại các nước trên thế giới; qua đó, Bộ Tài chính có thể tham khảo trong hành trình hội nhập cách mạng 4.0.

“Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức”.

(Nguồn: Bộ Tài chính)

Đức Minh