Các hoạt động của ngành Tài chính được triển khai trên môi trường công nghệ thông tin.
Qua đó từng bước hình thành nền tài chính điện tử, góp phần giúp toàn ngành Tài chính thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Chỉ số ứng dụng CNTT, chỉ số cải cách thủ tục hành chính của Bộ Tài chính luôn ở top dẫn đầu các bộ, ngành.
Công nghệ thông tin “phủ sóng” tới mọi lĩnh vực
Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính Ngô Hữu Lợi đánh giá, thời gian qua, ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực tài chính được triển khai mạnh mẽ và toàn diện trên nhiều phương diện. Thông qua ứng dụng CNTT đã giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý tài chính, ngân sách, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC); giảm thiểu chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; công khai minh bạch và hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp trong quá trình giải quyết TTHC.
Thực tế cho thấy, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến là một nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách. Cho đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc nâng cấp Cổng Thông tin điện tử (TTĐT), qua đó đã cung cấp, công khai thông tin cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quan tâm đến hoạt động của Bộ; đồng thời cung cấp rất nhiều dịch vụ công trực tuyến cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, 9 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đã được cung cấp trên Cổng TTĐT Bộ Tài chính thuộc lĩnh vực quản lý của Vụ Chế độ kế toán và Kiểm toán, Vụ Tài chính ngân hàng, Cục Quản lý Giá, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm và của Cục TH&TK. Điều này đồng nghĩa với việc Bộ Tài chính đã cung cấp 57 thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Cổng TTĐT này cũng đã tích hợp với các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trở lên của toàn ngành Tài chính như: Cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; quản lý đăng ký tài sản nhà nước; tra cứu trạng thái nợ thuế; tiếp nhận hồ sơ hải quan điện tử; nộp hồ sơ khai thuế qua mạng intiernet... đang được các đơn vị có liên quan khai thác hiệu quả.
Với mục tiêu “Cung cấp một số sản phẩm, dịch vụ điện tử mới về quản lý ngân sách, kế toán cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách”, cho đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức nâng cấp ứng dụng về: Quản lý ngân sách; tổng hợp dự toán và quyết toán cho các đơn vị dự toán cấp 1,2; kế toán ngân sách và tài chính xã; quản lý tài sản nhà nước; kế toán hành chính sự nghiệp và triển khai cho các đơn vị cơ quan tài chính và các đơn vị có quan hệ với ngân sách trên địa bàn toàn quốc. Các ứng dụng này đều đã và đang được nâng cấp và triển khai rộng rãi có hiệu quả trên toàn quốc.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính với các CSDL: Thu chi ngân sách; đối tượng người nộp thuế; đơn vị sử dụng ngân sách; công sản; giá trị trường; văn bản pháp quy; CSDL dùng chung và một số CSDL chuyên ngành như chứng khoán, hàng hóa xuất nhập khẩu,...
Theo ông Nguyễn Việt Hà, để đảm bảo việc triển khai, quản lý các ứng dụng đồng bộ, thống nhất, Cục TH&TK tài chính đã nghiên cứu xây dựng hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn trong ngành... Kết quả ứng dụng CNTT đã được ghi nhận với bằng việc Bộ Tài chính đứng đầu trong 3 năm liên tục về Chỉ số ứng dụng CNTT (ICT index) trong khối các bộ, ngành trung ương.
100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3
Trong những năm tới, Bộ Tài chính mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ công và đẩy mạnh việc công khai, chia sẻ thông tin trên Cổng TTĐT của Bộ, giúp cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách có thể tiếp cận nhanh chóng, dễ dàng với các dịch vụ tài chính điện tử và dữ liệu số hóa được chia sẻ, làm cho các hoạt động của ngành Tài chính ngày càng hiện đại, minh bạch hơn.
Đồng thời, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu và triển khai ứng dụng CNTT góp phần nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tạo môi trường làm việc cộng tác cao của cơ quan Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ chú trọng vào việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp và tổ chức với mục tiêu cụ thể là: Cổng TTĐT ngành Tài chính đảm bảo kết nối với Cổng TTĐT Chính phủ, hình thành đầy đủ Mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên Internet, theo Nghị quyết 30c/NQ-CP.
Theo đó, đến 2020, sẽ có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 thông qua Cổng TTĐT Bộ Tài chính. Các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó dự kiến 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến tại mức độ 4…
Hiện nay toàn bộ các giao dịch về thu NSNN đều được điện tử hóa và truyền nhận qua Trung tâm trao đổi chung đặt tại Bộ Tài chính, phục vụ ổn định 24/24 giờ, trung bình 1 năm có khoảng 16 triệu chứng từ/biên lai thu được truyền nhận. |
Đức Minh