Nối tiếp truyền thống
Gạo dự trữ nhà nước luôn kịp thời đến với học sinh trong những thời khắc quan trọng.

Xây dựng nguồn lực quy mô mạnh, ứng phó với mọi tình huống

Để thực hiện thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, ngay từ những ngày đầu tổ chức lãnh đạo phong trào cách mạng, Đảng ta đã rất quan tâm tới công tác dự trữ.

Từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, huy động đưa vào dự trữ lương thực, tiền vàng, muối ăn, đạn dược… để phục vụ các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và kịp thời hỗ trợ cứu đói cho nhân dân. Mặc dù, hoạt động dự trữ quốc gia được thực hiện ngay từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng ngành Dự trữ Nhà nước lại ra đời muộn hơn.

Trên tinh thần đó, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa I đã ra Nghị quyết, trong đó có nội dung: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”. Thực hiện Nghị quyết này của Quốc hội, ngày 13/1/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 663/TTg về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư của quốc gia, cùng danh mục 27 loại hàng hóa thuộc diện dự trữ quốc gia.

Thủ tướng tạm thời giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi, đôn đốc hoạt động dự trữ quốc gia nói chung. Tuy nhiên, để thống nhất việc quản lý hoạt động của lực lượng dự trữ vật tư, ngày 7/8/1956, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 997-TTg về việc thành lập Cục Quản lý Dự trữ vật tư của Nhà nước thuộc Chính phủ, đây là tổ chức tiền thân của Cục Dự trữ Nhà nước ngày nay.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 663/TTg ngày 13/01/1956 về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư nhà nước với danh mục 27 loại hàng hóa thiết yếu, phân công cho các bộ trực tiếp bảo quản và giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi chung.

Theo Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước Bùi Tuấn Minh, trải qua 69 năm hình thành và phát triển, ngành Dự trữ Nhà nước đã có bước phát triển, trưởng thành về mọi mặt và khẳng định được vị thế, vai trò “tích cốc phòng cơ” của mình. Nguồn lực dự trữ quốc gia luôn là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng ngừa, khắc phục thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng an ninh mà còn góp phần tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ động đổi mới, hiện đại hóa

Trong những bước trưởng thành của ngành Dự trữ Nhà nước, đầu tiên phải kể đến ngành đã không ngừng hoàn thiện về tổ chức, bộ máy thích ứng với các giai đoạn cách mạng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xuất cấp kịp thời hỗ trợ người dân

Trong những năm qua, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (nay là Cục Dự trữ Nhà nước) luôn thực hiện xuất cấp kịp thời, đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng theo đúng quy định. Điển hình như từ đầu năm 2025 đến nay, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp tổng số 42.003 tấn gạo, trị giá khoảng 645 tỷ đồng. Trong đó: hỗ trợ Tết Nguyên đán 6.040 tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt là 836 tấn gạo; hỗ trợ học sinh là 35.127 tấn gạo.

Ngành Dự trữ Nhà nước triển khai mô hình quản lý theo ngành dọc đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc triển khai công tác dự trữ và xuất cấp hàng hóa kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp bách của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, trong các dịp Tết và những tình huống khẩn cấp như thiên tai, ngành đã nhanh chóng huy động và phân phối nguồn lực hỗ trợ người dân, góp phần ổn định đời sống xã hội. Bên cạnh đó, ngành Dự trữ Nhà nước cũng đã tập trung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng quản lý và bảo đảm nguồn lực dự trữ quốc gia ngày càng vững chắc.

Thực hiện các Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Chính phủ, Quyết định 383/QĐ-BTC ngày 26/2/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức từ trung ương đến địa phương theo mô hình 2 cấp quản lý, thay vì 3 cấp như trước đây (cấp cục, cấp chi cục dự trữ nhà nước khu vực). Theo đó tại cơ quan Cục Dự trữ Nhà nước có 7 đầu mối phòng, ban và tương đương đơn vị; Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực tại địa phương được tổ chức theo 15 khu vực, có bình quân 4 phòng chuyên môn và các điểm kho, quản lý hàng dự trữ quốc gia trên địa bàn 63 tỉnh, thành.

Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước cho biết, đến thời điểm hiện nay, về cơ bản đơn vị đã đảm bảo tinh gọn theo đúng định hướng, chủ trương của Đảng và Chính phủ, giảm bớt các tầng nấc trung gian, giảm các bộ phận quản lý nội ngành, hướng đến xây dựng hệ thống dự trữ nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa.

Để xây dựng ngành Dự trữ Nhà nước có tiềm lực vững mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách được giao, trong thời gian tới, các cán bộ, công chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Trong đó, Cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với mô hình tổ chức, bộ máy mới, tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý mới, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với Luật Quy chuẩn, Tiêu chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật, làm cơ sở để quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia. Đồng thời, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng, bảo đảm hàng dự trữ quốc gia an toàn trong quá trình bảo quản, xuất cấp sử dụng được ngay.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Nhà nước tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục thuộc lĩnh vực dự trữ nhà nước, triển khai xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, nghiên cứu ứng dụng sâu rộng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng kho dữ liệu số hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế số, xã hội số, chính phủ số.

Hiện nay, Cục Dự trữ Nhà nước tập trung hoàn thành 100% kế hoạch mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia của năm 2025; chuẩn bị tốt mọi nguồn lực, chủ động triển khai thực hiện xuất cấp hàng dự trữ quốc gia khi có quyết định của cấp có thẩm quyền đảm bảo nhanh chóng, kịp thời. Đồng thời, tăng cường nghiên cứu đánh giá tình hình và dự báo, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính để chuẩn bị lực lượng dự trữ quốc gia và các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng...