Ngày 6/3: Giá xăng dầu trong nước chiều nay được dự báo có thể giảm mạnh

Giá xăng RON 95-III hôm nay có thể giảm 570 đồng về mức 20.540 đồng/lít. Ảnh tư liệu

Giá xăng dầu có thể giảm mạnh 2,7 - 3%

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6/3/2025 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 27/2 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Công thương.

Mặt hàng Mức giá (đồng/lít/kg) Chênh lệch so với kỳ trước
Xăng E5 RON 92 20.658 -197
Xăng RON 95 21.112 -219
Dầu diesel 18.957 -106
Dầu hỏa 19.335 -178
Dầu mazut 17.615 +19

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 197 đồng/lít, xuống còn 20.658 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 219 đồng/lít, xuống còn 21.112 đồng/lít.

Giá dầu diesel 0.05S giảm 106 đồng/lít, xuống còn 18.957 đồng/lít; dầu hỏa giảm 178 đồng/lít, xuống còn 19.335 đồng/lít.

Tuy nhiên giá dầu madút 180CST 3.5S lại tăng 19 đồng/kg, ở mức 17.615 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này Liên bộ Công thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu madút.

Như vậy, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 9 phiên điều chỉnh, trong đó có 3 phiên giảm, 4 phiên tăng và 2 phiên trái chiều.

Giá dầu thế giới giảm ngày thứ ba liên

Giá xăng dầu thế giới hôm nay giảm ngày thứ ba liên tiếp do các nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch tăng sản lượng của OPEC+ vào tháng 4 và mức thuế của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với Canada, Trung Quốc và Mexico làm leo thang căng thẳng thương mại.

Ghi nhận trên Oilprice lúc 4h ngày 6/3/2025 (theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI ở mốc 66,11 USD/thùng, giảm 2,94% (tương đương giảm 2,01 USD/thùng). Tương tự, giá dầu Brent ở mốc 69,23 USD/thùng, giảm 2,55% (tương đương giảm 1,81 USD/thùng).

Giá dầu Brent tương lai giảm 1,47 USD, tương đương 2,1%, xuống còn 69,57 USD/thùng vào lúc 14 giờ 08 phút theo giờ GMT. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Hoa Kỳ giảm 1,77 USD, tương đương 2,6%, xuống còn 66,49 USD/thùng.

Reuters thông tin, các hợp đồng đã đóng cửa ở mức thấp nhất trong nhiều tháng vào ngày hôm trước, chịu áp lực bởi kỳ vọng thuế quan của Hoa Kỳ và thuế quan trả đũa của các quốc gia bị ảnh hưởng sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu nhiên liệu.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, một nhóm được gọi là OPEC+, đã quyết định vào thứ Hai sẽ tăng sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 2022, qua đó gây thêm áp lực lên giá dầu thô.

Nhóm này sẽ tăng sản lượng thêm 138.000 thùng/ngày kể từ tháng 4, bước đầu tiên trong kế hoạch tăng sản lượng hàng tháng nhằm tháo gỡ lệnh cắt giảm gần 6 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nhu cầu toàn cầu.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết: "Thị trường có chút lo ngại rằng quyết định của OPEC+ là khởi đầu cho một loạt đợt bổ sung nguồn cung hàng tháng, nhưng tuyên bố từ OPEC+ khẳng định lại cách tiếp cận chỉ đưa dầu trở lại nếu thị trường có thể hấp thụ được".

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley Research cho biết có khả năng OPEC+ chỉ tăng sản lượng vài tháng một lần, thay vì dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cắt giảm./.