Ngày 7/7: Giá lúa gạo duy trì đà tăng cả trong nước và xuất khẩu
(Số liệu: Tổng cục Hải quan, TCTK, Biểu đồ: Hoàng Anh)

Tại thị trường trong nước

Khảo sát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa gạo điều chỉnh tăng từ 50 - 100 đồng/kg.

Cụ thể, tại An Giang, giá lúa Đài thơm 8 điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 6.900 - 7.100 đồng/kg.

Với các chủng loại lúa còn lại, giá neo cao. Hiện lúa IR 504 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.400 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động 6.400 - 6.600 đồng/kg; lúa OM 18 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg, lúa IR 50404 trong khoảng 6.300 - 6.600 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giá 6.900 - 7.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg; lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.

Mặt hàng lúa nếp, nếp AG (tươi) được thu mua trong mức từ 5.700 - 5.900 đồng/kg; nếp Long An (tươi) dao động trong khoảng 6.300 - 6.400 đồng/kg; nếp AG (khô) ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm điều chỉnh tăng 50 đồng/kg. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang được thu mua ở mức 10.150 - 10.200 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Gạo thành phẩm tăng 50 đồng/kg lên mức 11.500 đồng/kg.

Đối với phụ phẩm, giá tấm IR 504 duy trì ổn định ở mức 9.600 - 9.700 đồng/kg; cám khô 7.600 - 7.700 đồng/kg.

Trong khi đó, tại các chợ lẻ, giá gạo không có điều chỉnh. Cụ thể nếp ruột vẫn ổn định ở mức 14.000 - 16.000 đồng/kg. Gạo thường có giá 11.000 - 12.000 đồng/kg.

Gạo Nàng Nhen có giá 22.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài duy trì 18.000 - 19.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine giá 15.000 - 16.000 đồng/kg.

Gạo Hương Lài giá 19.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng giá 14.500 đồng/kg; Gạo Nàng Hoa giá 18.500 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động 14.000 - 15.000 đồng/kg.

Gạo Sóc Thái giá ổn định 18.000; gạo thơm Đài Loan có giá là 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg và cám duy trì mức 8.500 - 9.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng 5 USD/ tấn. Cụ thể, gạo 5% tấm giao dịch ở mức 513 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 493 USD/tấn và gạo Jasmine ổn định 578 USD/tấn.

Cùng với gạo Việt Nam, giá gạo Thái Lan và Ấn Độ cũng điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 4 USD/tấn lên mức 512 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 482 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 435 USD/tấn, tăng 4 USD/tấn. Với gạo Ấn Độ, giá gạo điều chỉnh tăng 10 USD/tấn.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo trong tháng 6 đạt 650.000 tấn, tương đương 383 triệu USD, giảm 10,5% về lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với tháng 6/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn, tương đương 2,3 tỷ USD, tăng 22% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm nay ước đạt 539 USD/tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Phillippines và Trung Quốc tiếp tục duy trì tăng trưởng hai con số. Ngoài ra có một số thị trường ghi nhận mức tăng trưởng đột biến như Indonesia tăng 1.498%; Đài Loan tăng 142%; Senegal tăng 1.147%, Chilê tăng 4.120%; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 15.972%...

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá trong bức tranh ảm đạm của xuất khẩu 6 tháng đầu năm, gạo được coi là diểm sáng khi nằm trong số ít các mặt hàng tăng trưởng dương và mạnh.

Những yếu tố như biến đổi khí hậu, El nino, xung đột Nga – Ukraine, các quốc gia tăng cường tích trữ và chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia đang tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo của nước ta.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu dự báo 6 tháng cuối năm, sản lượng gạo thế giới có thể giảm, tồn kho ở mức thấp, trong khi tiêu thụ gạo tăng nhẹ, điều này sẽ thúc đẩy giá gạo xuất khẩu./.