Nhiều địa phương vẫn chậm giải ngân chương trình mục tiêu quốc gia
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Phương Anh

Ước 6 tháng giải ngân đạt trên 35% kế hoạch

Trong năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao 27.220 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển (bao gồm 26.400 tỷ đồng vốn trong nước và 820 tỷ đồng vốn nước ngoài) cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn CTMTQG đến hết tháng 5/2024 là 6.893,9 tỷ đồng, đạt 25,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, CTMTQG xây dựng nông thôn mới giải ngân khoảng 2.247 tỷ đồng, đạt 29%; CTMTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.428 tỷ đồng, đạt 25%; CTMTQG giảm nghèo bền vững là 1.165 tỷ đồng, đạt 22%. Ước đến hết tháng 6/2024, nguồn vốn này giải ngân được 9.644,6 tỷ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

Còn trên 836 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ chi tiết

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện còn trên 836 tỷ đồng vốn CTMTQG chưa phân bổ chi tiết do các dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.

Một số tỉnh, thành phố đã tích cực cải thiện đáng kể tỷ lệ giải giân nguồn vốn này, trong đó có 15 tỉnh lũy kế giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương (NSTW) thực hiện các CTMTQG đến hết tháng 5/2024 đạt tỷ lệ từ 30% trở lên như: Hậu Giang (74%), Ninh Thuận (55%), Vĩnh Long (45%), Yên Bái (45%), An Giang (41%), Bạc Liêu (41%), Thanh Hóa (41%), Lâm Đồng (41%), Sơn La (37%), Lai Châu (35%), Sóc Trăng (34%), Bến Tre (34%), Tây Ninh (33%), Trà Vinh (32%), Kon Tum (30%).

Tuy nhiên cũng theo báo cáo từ Bộ Tài chính, bức tranh giải ngân vốn đầu tư các CTMTQG vẫn còn gam màu tối khi một số địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo. Theo đó, vẫn còn đến 6 địa phương cho đến hết tháng 5 vừa qua đạt tỷ lệ giải ngân dưới 10% đó là: Cà Mau (0%), Bình Phước (2%), Hòa Bình (3%), Nam Định (5%), Hà Tĩnh (7%), Phú Yên (9%). Đặc biệt, tỉnh Bình Phước cho đến nay chưa phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Về nguồn vốn sự nghiệp từ NSTW thực hiện CTMTQG, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến hết tháng 5/2024 giải ngân được 1.002 tỷ đồng, đạt 5% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (20.170 tỷ đồng). Trong đó, CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giải ngân được 125 tỷ đồng (đạt 7%), CTMTQG giảm nghèo bền vững giải ngân được 411 tỷ đồng (đạt 6%), CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giải ngân được 467 tỷ đồng (đạt 4%).

Nỗ lực thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Article thumbnail

Với quyết tâm đưa nhanh, kịp thời nguồn vốn đến với những nhiệm vụ, dự án, giúp cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống, phát triển kinh tế xã hội, trong phạm vi quyền hạn của mình, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các CTMTQG. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có các văn bản kịp thời trả lời, hướng dẫn các vướng mắc của các địa phương theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các chủ CTMTQG/dự án/tiểu dự án thành phần (Ủy ban Dân tộc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...), cơ quan chủ trì hướng dẫn quản lý vốn đầu tư công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), UBND các tỉnh ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ cơ chế chính sách và kịp thời hướng dẫn tổ chức triển khai, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Về phía các địa phương cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp để cải thiện tỷ lệ giải ngân nguốn vốn CTMTG trong 6 tháng cuối năm. Đơn cử như tại tỉnh Bình Thuận, năm 2024, tổng kế hoạch vốn các CTMTQG trung ương giao cho tỉnh khoảng 408 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển hơn 262 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 146 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh giải ngân được gần 72 tỷ đồng, đạt khoảng 17,6%.

Tỷ lệ này đang đạt thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Nguyên nhân được chỉ ra là do còn nhiều tồn tại hạn chế trong khâu thực hiện, nhất là việc phân khai và giải ngân vốn còn chậm; còn thiếu chủ động và quyết liệt trong khâu thực hiện…

Để vực dậy công tác này trong 6 tháng cuối năm, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện cần duy trì giao ban thường xuyên để rà soát, kịp thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thúc đẩy giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện CTMTQG. Đôn đốc triển khai thực hiện đối với các dự án không có khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ; thực hiện giải ngân vốn ngay sau khi có khối lượng. Đối với các dự án chưa xác định mục tiêu, nhu cầu sử dụng vốn, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận yêu cầu sớm điều chuyển sang các chương trình, dự án khác có nhu cầu.

Đặc biệt, tỉnh Bình Thuận đã yêu cầu các cơ quan chủ trì thực hiện CTMTQG (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc tỉnh) phải theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân các nguồn vốn của từng dự án, tiểu dự án.

Tại huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ thuộc CTMTQG hiện còn gặp nhiều vướng mắc, do đó, tỷ lệ giải ngân các CTMTQG của huyện đạt thấp.

Để việc giải ngân nguồn vốn CTMTQG đạt tốt từ nay đến cuối năm, lãnh đạo huyện này cũng yêu cầu các đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc nguồn vốn này thường xuyên rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch. Tiếp tục xác định thực hiện 3 CTMTQG là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện để từ đó có quyết tâm cao trong thực hiện.

Đặc biệt, lãnh đạo huyện đã yêu cầu các đơn vị được giao nguồn vốn này cần phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ thôn, tổ, người có uy tín, mỗi cán bộ, đảng viên trở thành một địa chỉ gương mẫu, nhiệt huyết thực hiện các chương trình. Tập trung triển khai hiệu quả các dự án, CTMTQG, đặc biệt là quản lý tốt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, các nguồn vốn theo đúng quy định…

13 địa phương giải ngân vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương đạt thấp

Bộ Tài chính cho biết, hiện có 3 bộ, ngành (Ủy ban Dân tộc, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) chưa thực hiện phân bổ vốn đầu tư thực hiện các CTMTQG; 12 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Sóc Trăng), trong đó đáng chú ý có tỉnh Bình Phước chưa phân bổ vốn CTMTQG giảm nghèo bền vững.

Về nguồn vốn sự nghiệp từ NSTW thực hiện CTMTQG, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, hiện có 3 địa phương đạt tỷ lệ từ 10% trở lên so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao là: Ninh Thuận (18%), Quảng Bình (12%), Hà Giang (12%).

13 địa phương chưa thực hiện giải ngân nguồn vốn này hoặc tỷ lệ giải ngân dưới 1% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao gồm: Bình Phước, An Giang, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Thái Nguyên, Yên Bái, Đắk Nông, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Quảng Ngãi.

Bộ Tài chính đã đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục thanh toán; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện, để tìm ra nguyên nhân thực hiện và giải ngân chậm ở từng dự án. Các địa phương rà soát và quyết định điều chuyển vốn theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp thẩm quyền để điều chuyển kế hoạch vốn của những dự án không có khả năng thực hiện được cho các dự án có khả năng thực hiện để phấn đấu giải ngân hết kế hoạch được giao.

Chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức giao ban với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án về tình hình thực hiện và thanh toán vốn đầu tư của các dự án; kịp thời giải quyết các khó khan vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền, địa phương sớm có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.