Tăng hiệu quả quản lý dự trữ quốc gia qua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chi cục Dự trữ nhà nước khu vực I triển khai mở, đóng thầu mua gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2025.

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên mọi lĩnh vực

Theo lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước, trong những năm qua công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường. Qua thực tế, các cuộc thanh tra, kiểm tra, không phát hiện cá nhân, đơn vị trong ngành vi phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước.

Chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương về tài chính

Trong năm 2025, Cục Dự trữ Nhà nước thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ngân sách nhà nước trong tất cả các khâu: lập, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao dự toán, quản lý, sử

dụng, kiểm soát chi và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về về phát triển kinh tế - xã hội và điều hành dự toán ngân sách nhà nước.

Thời gian qua, Cục Dự trữ Nhà nước (trước là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) đã xây dựng nhiều văn bản, đề án nội ngành nhằm thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các hoạt động dự trữ quốc gia như: xây dựng tiêu chuẩn kho dự trữ quốc gia; đề án sửa đổi bổ sung Quyết định số 470/QĐ-TCDT về ban hành quy trình lập dự toán, quyết toán chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia, cứu trợ, hỗ trợ, viện trợ. Cùng với đó là đề án quy định mức chi đối với chi phí nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia; đề án quy định mức chi các nhóm nội dung chi đối với chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia; các văn bản, đề án liên quan tới quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động; cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên…

Cục Dự trữ Nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, gắn kết chặt chẽ với việc kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số.

Đồng thời, Cục Dự trữ Nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành của đơn vị; khai thác hiệu quả các phần mềm dùng chung thống nhất trong toàn ngành Dự trữ Nhà nước; khai thác tối đa trang thiết bị công nghệ thông tin sẵn có nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, giảm văn bản, giấy tờ hành chính.

Cục Dự trữ Nhà nước cũng xây dựng môi trường, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại và hiệu quả; coi trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phẩm chất đạo đức của công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn cải cách thủ tục hành chính...

Tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên

Thực hiện Quyết định số 1034/QĐ-BTC ngày 18/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Nhà nước đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025.

Theo đó, Cục sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, thủ trưởng các đơn vị thuộc Cục Dự trữ Nhà nước trong việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tình trạng lãng phí, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển hệ thống Cục Dự trữ Nhà nước.

Trong đó, ngoài số tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, các đơn vị phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 (loại trừ các khoản chi lương, có tính chất tiền lương, chi cho con người, các khoản phải bố trí đủ theo cam kết quốc tế, các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn đặc thù, quan trọng không thực hiện cắt giảm và phần tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết của Trung ương) để dành nguồn giảm bội chi ngân sách nhà nước hoặc cho các nhiệm vụ cấp thiết, phát sinh, thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội hoặc bổ sung tăng chỉ đầu tư công.

Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quȧ.

Để triển khai mục tiêu trên, Cục Dự trữ Nhà nước sẽ tập trung triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên ngân sách nhà nước, gồm: Tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc trong các đơn vị thuộc Cục Dự trữ Nhà nước, qua đó tiết kiệm chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu..., chi phí đi lại, ăn ở của thành phần tham dự.

Thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo; chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp một cách hợp lý. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cuộc họp cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Song song với đó, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính. Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định; hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bao gồm cả đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án ODA và các dự án có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và phải căn cứ vào dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chỉ bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết.

Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định chế độ công tác phí đối với công chức, viên chức đi công tác trong nước. Các trường hợp áp dụng khoán công tác phí, trường hợp thanh toán theo thực tế, hồ sơ, thủ tục, chứng từ thanh toán... phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

Với sự vào cuộc quyết liệt, lãnh đạo Cục Dự trữ nhà nước kỳ vọng, việc triển khai thực hành tiết kiệm chống lãng phí tại cơ quan Cục Dự trữ Nhà nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục có bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức

Cục Dự trữ Nhà nước xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như giải pháp, biện pháp cần thực hiện trong năm 2025 tại các đơn vị thuộc Cục để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đề ra và đảm bảo đúng quy định tại Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị và cán bộ, công chức, người lao động thuộc Cục Dự trữ Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu quả hoạt động trong các đơn vị thuộc Cục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công theo dự toán, kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền giao....