Tháo gỡ vướng mắc, bất cập

Luật số 69/2014/QH13 hiện hành quy định theo hướng Nhà nước quản lý theo pháp nhân doanh nghiệp, không quy định đối tượng áp dụng là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước tại các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Điều đó dẫn đến việc can thiệp hành chính vào trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp còn có sự lúng túng, chưa thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều quy định mới và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Cụ thể, xác lập nguyên tắc, Nhà nước được xác định là nhà đầu tư vốn tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà thực hiện thông qua cơ quan, người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp để đảm bảo các quyền của nhà đầu tư vốn, góp vốn vào doanh nghiệp.

Theo ban soạn thảo, dự thảo luật lần này đã bổ sung một số điểm mới để phù hợp yêu cầu thực tiễn như: xác định cụ thể phạm vi nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp theo những lĩnh vực, ngành nghề, mục tiêu, yêu cầu đầu tư vốn (Điều 21), nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước (Điều 22) với hình thức đầu tư vốn vào doanh nghiệp (Điều 23) gồm: đầu tư bổ sung vốn (là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện bổ sung vốn vào doanh nghiệp đã có vốn góp của Nhà nước); đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp (là việc cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn thực hiện đầu tư vốn để thành lập công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc đầu tư vốn vào doanh nghiệp chưa có vốn góp của nhà nước để trở thành doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư).

Dự thảo luật cũng quy định rõ quy trình, thủ tục, phân công rõ nhiệm vụ các cơ quan, hồ sơ yêu cầu, nội dung thẩm tra đối với việc báo cáo Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư vốn vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, luật hóa quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước, người đại diện chủ sở hữu… về quản lý nhà nước tại doanh nghiệp, các vấn đề có liên quan trước Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan liên quan.

Trong đó, dự thảo luật quy định vốn của nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (Điều 19) được xác định theo mức vốn do cơ quan đại diện sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp và doanh nghiệp đã ghi nhận đủ vốn tương ứng với tỷ lệ vốn góp tại điều lệ công ty và giấy chứng nhận đăng ký của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư của nhà nước theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền được quy định tại luật này, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Những nội dung quy định này để khắc phục bất cập về khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp và vốn của doanh nghiệp cũng như nguồn vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đang có sự chồng chéo, lẫn lộn, chưa được xác định cụ thể...

Nhiều điểm mới giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước “bung sức”
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nhiều quy định mới.

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Theo bà Lê Ngọc Thuỳ Trang - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TP. Hồ Chí Minh (HFIC), nội dung về quản lý đầu tư trong dự thảo luật đã “cởi trói” cho doanh nghiệp. “Theo quy định trước đây, dù chỉ bổ sung 1 đồng vốn điều lệ, doanh nghiệp cũng phải xin chủ trương của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Theo dự thảo mới, chỉ khi bổ sung vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng mới phải xin chủ trương. Còn nếu bổ sung vốn điều lệ dưới số vốn trên thì đại diện doanh nghiệp có thể tự quyết định.” - bà Trang dẫn chứng.

Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cũng khẳng định dự thảo đã đổi mới căn bản, toàn diện hơn so với trước đây. Theo ông Tuấn Minh, Bộ Tài chính ghi nhận tiếp thu theo hướng trao quyền để doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp quyết định. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp quan trọng, tác động lớn tới phạm vi của chủ sở hữu và do chủ sở hữu quyết định danh sách đầu tư thì vẫn phải xin ý kiến.

Nhiều điểm mới giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước “bung sức”
Ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), phát biểu tại sự kiện.

Ông Bùi Tuấn Minh cho rằng, về phân cấp mức đầu tư, nếu chia nhỏ ra theo tính chất, ngành nghề, khu vực, loại hình là rất phức tạp. Theo đó, chỉ nên chọn tối ưu hoặc gọn hơn, do vậy hiện nay dự thảo luật đi theo hướng mức đầu tư bằng tiền bởi nếu luật đưa ra chi tiết hóa rất khó quản lý. Bên cạnh đó, đơn vị nào cũng có đặc thù, càng nhiều quỹ thì nguồn lực càng không tập trung.

Đại tá Nguyễn Năng Toàn chia sẻ, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là Bộ Quốc phòng. Tổng công ty có 29 công ty có vốn góp, thực tế nếu triển khai theo quy định trên thì sẽ tạo ra thêm nhiều khâu, khối lượng công việc dồn về cho các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, thực tế triển khai sẽ không đảm bảo tính kịp thời cho doanh nghiệp, chưa thể hiện rõ sự tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao vai trò, trách nhiệm, tăng cường tính chủ động của người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Mặt khác, đối với quân nhân, theo quy chế cán bộ và Luật Sỹ quan, không phải tất cả các đối tượng trên đều phải xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu. (Nội dung này hạn chế phân cấp và phát sinh thêm so với Luật 69).

Theo Đại tá Nguyễn Năng Toàn - Chủ tịch Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, cần tăng cường tính chủ động của người đại diện chủ sở hữu. Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ, đề nghị chỉ nộp về ngân sách nhà nước, điều chuyển giữa các doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn theo quyết định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp để tạo sự chủ động lập kế hoạch, chiến lược sử dụng Quỹ đầu tư phát triển hiệu quả trong dài hạn, thay vì không rõ khi nào Nhà nước thu hồi, điều chuyển. Ngoài ra thực hiện theo khoản 5 Điều 77 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, đề nghị lược bỏ nội dung “lấy ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn” (tại điểm b, khoản 4, Điều 16 và điểm b khoản 2, Điều 17 dự thảo luật) và phân cấp cho doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp (trực tiếp là người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho ý kiến hoặc quyết định.

Nhiều điểm mới giúp doanh nghiệp có vốn nhà nước “bung sức”
Võ Hữu Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh.

Còn theo ông Võ Hữu Hạnh - Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, cần bổ sung quy định về các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu. Nhằm góp phần tăng cường tính chủ động, kịp thời, hiệu quả trong công tác thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chúng ta cần nghiên cứu, bổ sung quy định “phân cấp, ủy quyền” đối với một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của “Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là UBND cấp tỉnh” cho cơ quan chuyên môn, UBND cấp dưới trực tiếp (trên cơ sở quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương).

Ngoài ra, ông Hạnh cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về các hình thức chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trong đó, có nội dung chuyển giao không thanh toán trong trường hợp chuyển giao phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ về cơ quan đại diện chủ sở hữu (sau khi chuyển giao thì hai doanh nghiệp này cùng một cơ quan đại diện chủ sở hữu)./.