Bài 1: Nguy cơ đánh mất cơ hội lớn cho phát triển |
Bài 2: Không để tài nguyên quốc gia bị hoang phí trong im lặng |
Bài 3: Lãng phí hôm nay là mất mát của tương lai |
Bài 4: Chặn nguồn cơn hợp thức hóa lãng phí |
![]() |
Nguồn: TBTCVN tổng hợp Đồ họa: PHƯƠNG ANH |
Câu trả lời đang dần hé lộ khi những chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, cùng khát vọng đổi mới trong cách tiếp cận và điều hành, đã bắt đầu tạo nên luồng sinh khí mới. Đây chính là thời điểm để biến tài sản công dôi dư thành “nhiên liệu” tiếp sức cho phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình.
“Không lo dôi dư, phải tận dụng tối đa”
Tại buổi tiếp xúc với cử tri 3 quận (Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa) TP. Hà Nội (cũ) vào trung tuần tháng 4/2025, khi các cử tri đặt câu hỏi về việc xử lý tài sản công và trụ sở công dôi dư sau sáp nhập, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sẽ không có lãng phí, đồng thời nhấn mạnh cần ưu tiên dùng trụ sở các cơ quan dôi dư sau sáp nhập cho trường học và cơ sở y tế.
Tài sản công dôi dư không còn là thứ “trông giữ cho khỏi hỏng” mà phải là công cụ tạo tăng trưởng. Mỗi trụ sở, nhà, đất dôi dư được tận dụng hiệu quả là một dấu mốc cho sự thay đổi tư duy, từ giữ tài sản sang phát huy giá trị. |
“Bây giờ làm gì còn đất xây trường cho các cháu đi học. Cơ quan, trụ sở dôi dư có thể ưu tiên cải tạo, mở trường, mở lớp, hoặc ưu tiên cho cơ sở y tế để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân” - Tổng Bí thư nêu quan điểm.
Bên cạnh đó, ông cũng gợi mở có thể tính toán dùng các cơ sở này cho hoạt động công cộng phục vụ nhu cầu văn hóa, thể thao của người dân. “Tôi tin làm tốt việc này thì không có chỗ nào lãng phí cả” - Tổng Bí thư nói.
Thông điệp rõ ràng và nhất quán tiếp tục được Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp với các cơ quan trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính vừa qua, ông đã nêu quan điểm dứt khoát: “Không lo dôi dư. Các cơ sở này có thể chuyển đổi thành nơi để các cháu mẫu giáo học hành hoặc là nơi để bà con đến kiểm tra, khám sức khỏe, giảm tải cho các bệnh viện”.
Không chỉ đơn thuần là chỉ đạo về xử lý tài sản, lời của Tổng Bí thư còn thể hiện một tầm nhìn: tài sản công dôi dư là công cụ để nâng cao chất lượng sống của người dân nếu biết quản trị đúng cách.
Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: “Cần kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lợi dụng danh nghĩa xử lý tài sản để trục lợi cá nhân. Các trụ sở dôi dư phải được đưa vào sử dụng hiệu quả cho trường học, trạm y tế, công trình cộng đồng chứ không thể để biến thành sân sau”.
Trên tinh thần đó, tháng 6/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 80/CĐ-TTg và Công điện 95/CĐ-TTg yêu cầu xử lý rốt ráo, cụ thể “đến từng địa chỉ trụ sở dôi dư”. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc điều hành “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền. “Mỗi tài sản công chưa được đưa vào sử dụng đúng mục tiêu là một sự lãng phí mà đất nước không thể dung thứ” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để cụ thể hóa quyết sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đang triển khai một loạt giải pháp mang tính đột phá. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết: “Bộ đang tiếp tục cử các đoàn công tác đến từng địa phương để khảo sát, hướng dẫn cụ thể”.
Từ đầu năm 2025, Bộ Tài chính đã tham mưu sửa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, bổ sung 12 nghị định và hàng loạt thông tư. Đáng chú ý, quy định mới yêu cầu các địa phương ưu tiên dùng trụ sở dôi dư cho giáo dục, y tế, sau đó mới được đấu giá, khai thác thương mại.
Những điểm sáng chuyển hóa thành công
Thực tiễn cho thấy, tài sản công dôi dư nếu được vận dụng linh hoạt hoàn toàn có thể trở thành “nguồn lực ngủ quên” được đánh thức đúng lúc. Tuy nhiên, để biến tiềm năng ấy thành động lực phát triển thực sự, không chỉ cần chỉ đạo mạnh mẽ, mà còn đòi hỏi cải cách thể chế, thay đổi tư duy vận hành.
Tại Hà Nội, ngành Y tế đã rà soát và chuyển các trụ sở nhỏ thành trạm y tế, trụ sở lớn thành bệnh viện tuyến quận. Hải Phòng cũng đã chuyển giao được 80% trong tổng số 183 trụ sở dôi dư cho y tế - giáo dục… Nhờ đó, hệ thống y tế cơ sở sau sáp nhập đã bắt đầu được nâng cấp rõ rệt, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện hơn.
Ngoài ra, hiện đã có một số địa phương bắt đầu chuyển đổi trụ sở công dôi dư thành nhà ở công vụ hoặc ký túc xá cho cán bộ, giáo viên, y bác sĩ công tác xa - một giải pháp thiết thực nhằm giữ chân nguồn nhân lực vùng sâu.
TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn tận dụng hiệu quả tài sản công dôi dư, cần cải cách theo 4 hướng. Trước hết là hoàn thiện pháp luật và chế tài, đặc biệt là sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng cụ thể hóa định nghĩa “tài sản công dôi dư”, bổ sung định mức, trách nhiệm cá nhân và cả chế tài hình sự nếu để hoang hóa tài sản nhà nước. Thứ hai, thiết lập cơ chế minh bạch và chịu trách nhiệm cá nhân, coi việc chống lãng phí là tiêu chí bắt buộc trong đánh giá cán bộ. Thứ ba, xử lý tài sản phải có quy trình, thời hạn rõ ràng, sau 90 ngày sáp nhập nếu không dùng cho công ích thì buộc phải đấu giá công khai, không để trì hoãn gây thất thoát. Và cuối cùng, cần ứng dụng công nghệ, số hóa toàn diện hệ thống tài sản công, tổ chức đấu giá trực tuyến minh bạch để loại bỏ tình trạng “quân xanh - quân đỏ”, bảo vệ nguồn lực quốc gia.
Đặc biệt, nếu xử lý đúng cách, tài sản công dôi dư không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn mở ra cơ hội tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, năm 2024, thành phố đã thu về hơn 2.300 tỷ đồng từ đấu giá tài sản công, trong đó phần lớn được bổ sung cho ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và trường học. Tại Quảng Ninh, việc chuyển đổi công năng trụ sở cũ sau sáp nhập đã giúp địa phương khai thác thêm quỹ đất sạch, thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các dự án hạ tầng kỹ thuật. Ở Bình Dương, hơn 20 trụ sở cũ dôi dư sau sắp xếp đã được chuyển đổi thành cơ sở y tế, trường học và trung tâm hành chính một cửa cấp xã, đáp ứng nhu cầu dân sinh và tiết kiệm đáng kể chi phí xây mới. Tương tự, tại TP. Huế, một số trụ sở cũ được cải tạo thành trung tâm văn hóa cộng đồng, vừa phát huy giá trị sử dụng vừa gìn giữ kiến trúc di sản.
Những ví dụ cụ thể này cho thấy, nếu được xử lý kịp thời, minh bạch và hiệu quả, tài sản công dôi dư hoàn toàn có thể trở thành “nguồn lực kép” - vừa tạo nguồn thu, vừa mở đường cho đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Thời đại mới - Cách làm mớiGiờ đây, không ai còn hoài nghi rằng, tài sản công dôi dư là “của để dành quốc gia”. Điều quan trọng là có đủ quyết tâm để biến những khối tài sản ấy từ tĩnh sang động, từ gánh nặng thành đòn bẩy phát triển hay không? Từng mét vuông đất công, nếu để hoang là từng cơ hội học tập, từng mái trường, từng trung tâm sáng tạo… bị đánh mất. Nhưng nếu được đánh thức, đó có thể là nơi khai mở tương lai cho cả một thế hệ đất nước. Hơn bao giờ hết, xử lý tài sản công dôi dư không chỉ là một hạng mục hành chính, mà là phép thử về tầm nhìn phát triển, trách nhiệm công vụ và lòng yêu nước trong từng quyết sách. Hãy khơi thông dòng tài sản đang nằm bất động ấy. Hãy chuyển hóa thành trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm khởi nghiệp, thư viện cộng đồng… Và hãy làm điều đó ngay bây giờ, khi thể chế đã sẵn sàng, khi chỉ đạo đã rõ ràng, khi cả xã hội đang chờ đợi một sự thay đổi thực chất và quyết liệt. Tài sản công không phải là của riêng ai, mà là “của mọi người”. Và trong kỷ nguyên mới, đó chính là sức mạnh của nền kinh tế nếu biết cách đánh thức! |