![]() |
Kho bạc Nhà nước đã chủ động, quyết liệt trong triển khai mô hình tổ chức bộ máy mới từ ngày 1/7/2025. Ảnh tư liệu |
Vận hành ổn định, thông suốt
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã chủ động, quyết liệt trong triển khai các giải pháp tổ chức bộ máy phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Dù giữ nguyên số lượng 20 Kho bạc Nhà nước khu vực, hệ thống đã sắp xếp lại phạm vi hoạt động, điều chỉnh cơ cấu tổ chức tại nhiều địa bàn nhằm bảo đảm tương thích với đơn vị hành chính mới.
Quá trình bố trí cán bộ, công chức được thực hiện đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật hành chính. Công tác bàn giao tài sản, tài chính, dữ liệu số, mã địa bàn hành chính… cũng được hoàn tất kịp thời. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến được duy trì vận hành 24/7, hỗ trợ tối đa cho người dân và các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đặc biệt, trước ngày chính thức chuyển đổi, ngày 25/6/2025, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ cho toàn hệ thống. Tại đây, Kho bạc Nhà nước đã hướng dẫn cụ thể các nội dung về công tác tổ chức cán bộ, kiểm soát chi, thanh toán, kế toán, quản lý ngân quỹ và chuyển đổi dữ liệu trên hệ thống công nghệ thông tin.
Hội nghị đã giúp các Kho bạc Nhà nước khu vực nắm chắc quy trình, chủ động trong tổ chức thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động sau sắp xếp. Giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Quân khẳng định: “Dù khối lượng công việc rất lớn, toàn thể công chức hệ thống đã nỗ lực, đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm hoạt động Kho bạc vận hành an toàn, liên tục từ ngày 1/7”.
Giảm đầu mối, tăng hiệu năng
Tại các địa phương, từ 2 - 3 Kho bạc Nhà nước tỉnh riêng lẻ, nay hợp nhất thành một Kho bạc Nhà nước khu vực, mô hình vừa giảm đầu mối, vừa nâng cao hiệu quả quản lý.
Kho bạc Nhà nước khu vực XI - đơn vị đảm nhiệm chức năng kho bạc tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc chủ động. Sau gần 1 tháng vận hành, toàn bộ hoạt động thu, chi ngân sách trên địa bàn vẫn diễn ra thông suốt, không phát sinh gián đoạn. Với trụ sở đặt tại TP. Thanh Hóa, đơn vị quản lý 10 phòng chuyên môn và 27 phòng giao dịch.
Phối hợp với cơ quan thu trên địa bàn để hạch toán thu, chi ngân sách kịp thời Để phục vụ kịp thời nhu cầu chi tiêu ngân sách của các đơn vị khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Kho bạc Nhà nước đã yêu cầu Giám đốc Kho bạc Nhà nước các khu vực phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan, tài chính để hạch toán thu, chi ngân sách kịp thời; chủ động xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình chuyển đổi; hướng dẫn cụ thể các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện các khoản chi, nhất là chi lương, chi cho hoạt động thường xuyên của chính quyền địa phương sau sáp nhập. |
Dù đối mặt không ít khó khăn về điều kiện làm việc và phân tán địa bàn, tập thể cán bộ công chức Kho bạc Nhà nước khu vực XI đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt khó. Việc chuyển đổi dữ liệu, đối chiếu số liệu và phối hợp với các cơ quan thu – chi tài chính được thực hiện chặt chẽ. Đặc biệt, giao dịch điện tử và dịch vụ công trực tuyến được áp dụng triệt để, giúp giảm tải chi phí và thời gian cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Tại Kho bạc Nhà nước khu vực XIV, địa bàn hoạt động trải dài từ Khánh Hòa đến Đắk Lắk (gồm 2 tỉnh mới được tái cấu trúc từ 4 tỉnh cũ: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên), mô hình tổ chức đã chứng minh hiệu quả rõ nét trong quản lý ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công. Với 10 phòng tham mưu và 19 phòng giao dịch, Kho bạc Nhà nước khu vực XIV vừa tinh gọn đầu mối, vừa đảm bảo phủ rộng địa bàn.
Theo ông Nguyễn Đức Mạo - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực XIV, việc tinh giản không làm giảm hiệu quả mà còn nâng cao chất lượng phục vụ. Đơn vị đã chủ động thiết lập đầu mối hỗ trợ, xây dựng quy chế làm việc rõ ràng, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính. Đặc biệt, tính đến 30/6/2025, đơn vị đã giải ngân hơn 5.297 tỷ đồng, tương đương 41,32% kế hoạch, vượt bình quân cả nước, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Trước khi trở thành trụ sở chính của Kho bạc Nhà nước khu vực V, Ninh Bình vốn là một đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước khu vực IV (cùng với Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định). Tuy nhiên, sau sắp xếp, khi tỉnh Hưng Yên và Thái Bình hợp nhất, Kho bạc Nhà nước phải điều chỉnh lại cơ cấu quản lý khu vực. Theo đó, Ninh Bình đảm nhiệm vai trò “đầu mối” khu vực V, phụ trách 3 tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định.
Ông Hoàng Thanh Phong - Quyền Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực V chia sẻ, nhờ có kinh nghiệm từ lần sáp nhập trước đây, đơn vị đã khẩn trương sắp xếp chỗ làm việc, nơi ăn ở cho cán bộ từ Hà Nam và Nam Định chuyển về. Đồng thời, tổ chức phân luồng nghiệp vụ, cập nhật hệ thống dữ liệu, thiết lập quy trình phối hợp nội bộ chặt chẽ. Nhờ đó, các giao dịch ngân sách nhà nước trên địa bàn được đảm bảo thực hiện thông suốt, không trễ hạn một chứng từ, không sai lệch một dòng số liệu.
Còn tại Kho bạc Nhà nước khu vực I (trước đây là Kho bạc Nhà nước Hà Nội), đơn vị đã sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình mới gồm 9 phòng tham mưu, nghiệp vụ và 17 phòng giao dịch (giảm 13 đơn vị cấp huyện và tăng 2 phòng tham mưu, nghiệp vụ).
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Kho bạc Nhà nước khu vực I cho biết, Hà Nội là địa bàn trọng điểm tập trung nhiều bộ, ngành với số lượng giao dịch phát sinh rất lớn, đòi hỏi mỗi nghiệp vụ phải được xử lý chính xác, kịp thời. Do đó, không để gián đoạn dòng chảy ngân sách, ngay sau khi tổ chức bộ máy mới đi vào hoạt động, Kho bạc Nhà nước khu vực I đã tiến hành họp ban lãnh đạo và ban hành quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể trong lãnh đạo để kịp thời chỉ đạo. Vì thế, cho đến nay, mọi hoạt động thu chi ngân sách trên địa bàn thành phố đều được thực hiện ổn định, không bị ách tắc dù chỉ một giây.
Từ thực tiễn các địa phương, có thể khẳng định, mô hình Kho bạc Nhà nước khu vực đang phát huy hiệu quả, dù vẫn cần thêm thời gian để hoàn thiện. Bộ máy tinh gọn nhưng không giảm năng lực; công nghệ số được ứng dụng đồng bộ, hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác hạch toán, kiểm soát chi, giải ngân vốn đầu tư công.
Sự chủ động, bản lĩnh và quyết tâm của đội ngũ cán bộ công chức trong toàn hệ thống chính là yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn chuyển đổi nhiều thách thức. Kho bạc Nhà nước không chỉ hoàn thành nhiệm vụ “gác cửa ngân sách”, mà còn đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu hiện đại hóa quản lý tài chính công, phục vụ tốt hơn người dân và chính quyền địa phương.
Đảm bảo xử lý ngân sách nhà nước đúng quy định, kịp thời Phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp, các đơn vị Kho bạc Nhà nước khu vực được giao căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thực hiện điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, Kho bạc Nhà nước khu vực phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính đề xuất Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi phù hợp ngay từ kỳ họp đầu tiên của chính quyền địa phương mới. Trường hợp chưa ban hành kịp, cần đề xuất phương án xử lý để bảo đảm việc điều tiết thu ngân sách không bị gián đoạn. |