Bài 3: Lãng phí hôm nay là mất mát của tương lai
UBND quận Hồng Bàng (TP. Hải Phòng cũ) sau sắp xếp chuyển thành Sở Tài chính Hải Phòng. Ảnh: QUỲNH NGA

Chính phủ hành động

Hàng nghìn tỷ đồng giá trị tài sản công đang trong tình trạng bỏ không, chờ xử lý. Không ít trong số đó là các trụ sở nằm ở vị trí “đất vàng”, có thể tạo ra giá trị phát triển lớn nếu được khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, sự chậm trễ, lúng túng trong tổ chức thực hiện, thậm chí buông lỏng quản lý, đang khiến những tài sản quý giá ấy trở thành gánh nặng.

Không chấp nhận sự trì trệ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 công điện chỉ trong vòng hơn một tháng, yêu cầu các địa phương triển khai việc rà soát, xử lý tài sản công đúng nguyên tắc, đồng bộ, không được chậm trễ. Đây không đơn thuần là chỉ đạo hành chính, mà là cảnh báo nghiêm khắc trước nguy cơ thất thoát, lợi ích nhóm và tham nhũng tài sản nhà nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, xử lý tài sản công là nhiệm vụ cấp thiết, không thể trì hoãn, càng không được đùn đẩy, né tránh. Đặc biệt, những tài sản ở vị trí đắc địa nếu không xử lý sớm, sẽ bị chiếm dụng, xuống cấp, gây bức xúc trong nhân dân và thiệt hại ngân sách.

Bộ Tài chính vào cuộc quyết liệt

Nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho việc xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời ban hành 11 văn bản quy phạm pháp luật, tập trung vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức - nền tảng để đánh giá và sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đã yêu cầu các địa phương lập danh mục đầy đủ tài sản dôi dư, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, phân loại rõ tài sản giữ lại, điều chuyển, bán đấu giá hoặc xử lý theo hình thức khác. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện xử lý tài sản công dôi dư theo nguyên tắc “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Điều này đã thể hiện một bước tiến lớn trong quản trị công, nhằm xóa bỏ tình trạng xử lý hình thức, đùn đẩy trách nhiệm.

Không chỉ dừng ở văn bản, Bộ Tài chính còn thành lập các đoàn công tác chia theo 7 cụm địa phương để trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn thực địa, tháo gỡ khó khăn và giám sát tiến độ xử lý tài sản công. Các đoàn công tác vừa giám sát, vừa “gỡ vướng” tại chỗ vừa hướng dẫn xây dựng phương án phù hợp với từng địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, xử lý tài sản công dôi dư là nhiệm vụ khó, phức tạp nhưng bắt buộc. Không làm nghiêm túc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều hành, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyển động đồng bộ từ trung ương tới địa phương

Tinh thần chỉ đạo quyết liệt từ trung ương đã lan tỏa tới các địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động rà soát, báo cáo sớm danh mục tài sản cần xử lý.

Tại Bắc Giang (cũ), trong tổng số 2.427 trụ sở, cơ sở sự nghiệp, có 1.951 cơ sở tiếp tục sử dụng, 14 cơ sở cấp tỉnh dự kiến điều hòa nội bộ, hơn 20 trụ sở cấp huyện bố trí lại cho cấp xã. Dự kiến, có 78 cơ sở dôi dư không còn phù hợp được đề xuất thu hồi giao trung tâm phát triển quỹ đất hoặc đơn vị chức năng quản lý.

Tỉnh Cao Bằng (cũ) có 2.088 cơ sở, trong đó 1.835 cơ sở tiếp tục sử dụng, 193 cơ sở điều hòa nội bộ - ưu tiên bố trí cho giáo dục, y tế, thiết chế công cộng. Với 60 cơ sở dôi dư, tỉnh đưa ra phương án xử lý: cơ sở phù hợp quy hoạch sẽ bán đấu giá; còn lại sẽ giao cho đơn vị chức năng quản lý, khai thác. Tại Hưng Yên (cũ), 63 trụ sở dôi dư đã được lên phương án điều chuyển hoặc đấu giá công khai. TP. Hải Phòng (cũ) đã xác định 183 cơ sở dôi dư và đã lên phương án chuyển về Trung tâm Phát triển quỹ đất hoặc bố trí cho giáo dục, y tế.

Những tín hiệu chuyển động tích cực từ các tỉnh như Bắc Giang, Cao Bằng, Hưng Yên, Hải Phòng cho thấy, khi có quyết tâm chính trị và hướng dẫn kịp thời từ trung ương, địa phương hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp, khai thác lại tài sản công. Không chỉ xử lý gọn gàng phần dôi dư, nhiều nơi còn linh hoạt chuyển đổi công năng phục vụ cộng đồng, chứng minh tài sản công dôi dư hoàn toàn có thể trở thành lực đẩy phát triển bền vững.

Tuy nhiên, dù tiến trình đã được thúc đẩy, nhưng theo ghi nhận từ Bộ Tài chính, tốc độ xử lý tài sản công dôi dư nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Tại Hải Phòng, ông Trần Xuân Toàn - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, địa phương gặp khó trong phối hợp với các cơ quan trung ương. “Một số cơ quan chưa xác định rõ nhu cầu sử dụng trụ sở, trong khi các đơn vị địa phương cần thông tin đầy đủ để lập phương án xử lý, dẫn đến chậm tiến độ” - ông Toàn chia sẻ.

Hưng Yên cũng vướng về kinh phí sửa chữa, vận hành song song hai trụ sở cũ sau sáp nhập. “Một số trụ sở chưa thể dừng sử dụng, phát sinh thêm chi phí bảo vệ, vận hành, gây áp lực ngân sách” - bà Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho hay.

Ngoài ra, các địa phương cũng phản ánh nhiều khó khăn: chưa xác lập được quyền sở hữu tài sản do cơ quan trung ương để lại; còn lúng túng trong phân loại tài sản; vướng mắc pháp lý giữa Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Tài sản công; thiếu nhân lực chuyên trách ở cấp cơ sở; tâm lý e ngại trách nhiệm, sợ sai và tình trạng thừa - thiếu cục bộ (nơi thừa trụ sở, nơi lại thiếu đất cho trường học, bệnh viện).

90 ngày “chốt số” tài sản công dôi dư

Khẳng định quan điểm nhất quán trong xử lý tài sản công dôi dư, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, nguyên tắc hàng đầu là đảm bảo hoạt động ổn định của bộ máy sau sắp xếp. Theo đó, không khuyến khích bán hoặc chuyển nhượng các tài sản công dôi dư, mà ưu tiên bố trí cho các mục đích công như giáo dục, y tế, văn hóa xã hội hoặc điều chuyển cho cơ quan trung ương đóng tại địa phương.

Đồng thời ông Thịnh cho biết, từ ngày 1/7/2025 - thời điểm chính thức vận hành bộ máy mới, phần lớn địa phương triển khai tương đối suôn sẻ, không phát sinh nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, để có cái nhìn đầy đủ và tránh nóng vội, tránh tình trạng “thấy dư là bỏ”, Bộ Tài chính đề nghị từng địa phương báo cáo chính thức số liệu chi tiết về tài sản dôi dư sau 90 ngày thực hiện.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý công sản cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc mới phát sinh trong quá trình sắp xếp, xử lý tài sản công. Những nội dung vượt thẩm quyền sẽ được Bộ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng chỉ đạo phù hợp.

Khoảng thời gian 90 ngày không phải là để chờ đợi hay “xử lý cho có”, mà là thời điểm vàng để các địa phương thể hiện năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm và dám hành động vì lợi ích chung. Mỗi tài sản công được xử lý hiệu quả không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, mà còn là một minh chứng cho việc kiểm soát tốt quyền lực, chặn đứng tình trạng “hợp thức hóa sai phạm” dưới vỏ bọc xử lý tài sản.

Có thể thấy, xử lý tài sản công dôi dư không chỉ là công việc hành chính, mà còn là phép thử về năng lực tổ chức, tinh thần trách nhiệm và sự liêm chính của từng cấp chính quyền. Trung ương đã hành động quyết liệt, ban hành đầy đủ công cụ pháp lý. Nếu địa phương không vào cuộc tương xứng, tài sản sẽ tiếp tục thất thoát, thậm chí bị hợp thức hóa trong sai phạm.

Đây là lúc phải hành động. Mỗi tài sản công được xử lý đúng và hiệu quả là một bước tiến về quản lý, chứng minh rằng tài sản công không chỉ là của Nhà nước, mà còn là nguồn lực phát triển cho tương lai, vì dân sinh, vì quốc kế.

Mở ra cơ hội khai thác lại tài sản công

Việc xử lý hiệu quả tài sản công dôi dư không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách, tránh lãng phí, mà còn mở ra cơ hội khai thác lại tài sản công cho các mục tiêu phát triển, phục vụ nhân dân.