Khó khăn bủa vây, xuất khẩu chưa có tín hiệu “sáng”

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), từ đầu năm đến nay, nền kinh tế thế giới vẫn ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm; lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm tại các quốc gia trên thế giới, trong đó có các khu vực là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng và dựng lên nhiều tiêu chuẩn mới, hàng rào kỹ thuật mới, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu của doanh nghiệp. Đó là còn chưa kể đến việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh gay gắt trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều thị trường “ruột” suy giảm trầm trọng, xuất khẩu nỗ lực tìm kiếm đối tác mới
Dệt may hiện đang là một trong những ngành hàng phải đối diện với nhiều khó khăn nhất. Ảnh: TL
Trong 4 tháng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch ước đạt 28,45 tỷ USD, chiếm 26% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 21% so với cùng kỳ; tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%; thị trường EU đạt 13,66 tỷ USD, giảm 14,1%; thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 1,3%; Hàn Quốc đạt 7,8 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 7,3 tỷ USD, giảm 0,9%...

Trước tình hình đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; tháo gỡ các rào cản để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; thúc đẩy mạnh sản xuất - tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu,… đã trợ lực đáng kể cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tại nhiều lĩnh vực ngành hàng, địa phương vẫn đối diện với rất nhiều khó khăn. Đơn hàng sụt giảm trầm trọng, chỉ còn khoảng 30%. Thậm chí có thị trường gần như đóng băng, xuất khẩu “ăn đong” từng container...

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính trong 4 tháng của năm 2023, tổng trị giá xuất khẩu đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13%, tương ứng giảm 16,08 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dệt may hiện đang là một trong những ngành hàng phải đối diện với nhiều khó khăn nhất. Thống kê cho thấy, quý I/2023 xuất khẩu giảm 19% so với cùng kỳ, nhất là tại các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc.

Nhiều thị trường “ruột” suy giảm trầm trọng, xuất khẩu nỗ lực tìm kiếm đối tác mới
Ngành xuất khẩu chủ đạo khác là da giày cũng gặp khó về thị trường xuất khẩu. Ảnh: TL

Như vậy 2 quý liên tiếp ngành dệt may tăng trưởng âm và dấu hiệu sáng lại chưa rõ ràng. Nhận định về tình hình thị trường thời gian tới, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, trong quý II/2023, doanh nghiệp trong ngành sẽ vô cùng khó khăn.

Bên cạnh dệt may, ngành xuất khẩu chủ đạo là da giày cũng gặp khó. Theo Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, trong quý I/2023, mức độ cắt giảm đơn hàng diễn ra hết sức nghiêm trọng, với mức độ phổ biến là 50 - 70%, cá biệt, có những doanh nghiệp gần như không có đơn hàng xuất khẩu phải sa thải bớt từ 30 - 50% nhân công, giảm lương, giảm quy mô sản xuất…

Tìm kiếm thị trường mới để xốc lại đà tăng những tháng cuối năm

Để có giải pháp hiệu quả, xốc lại đà tăng trưởng cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, chính sách tiết giảm chi phí cho đến hỗ trợ nguồn tài chính cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp về thị trường đặc biệt quan trọng. Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), năm 2023 công tác xúc tiến thương mại được xác định là một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu mới.

Nếu như trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu tập trung vào các thị trường Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... thì hiện bắt đầu khai thác các thị trường mới như Canada, Australia, Trung Đông, châu Phi và các nước thuộc cộng đồng SNG.

Theo đó, mới đây Bộ Công thương ban hành Công văn số 2246/BCT-KHTC yêu cầu các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latin, Đông Âu… Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.

Bên cạnh đó, đối với “người khổng lồ” Trung Quốc, nhằm tranh thủ các cơ hội khi thị trường mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạch để tận dụng các cơ hội.

Về vấn đề này, mới đây, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã lưu ý các doanh nghiệp cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới. Đồng thời kiến nghị các cơ quan quản lý cần cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới./.