Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện nhiệm vụ phân công của Chính phủ, ngày 12/6/2024 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1337/QĐ-BTC về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phân cấp mạnh, cụ thể trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Đức Minh

Trên cơ sở phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và 6 nhóm chính sách đề xuất xây dựng Luật đã được Chính phủ thông qua và trình Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo và Tổ biên tập đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo chi tiết Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng, về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo và Tổ biên tập đã bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất và được Quốc hội thông qua. Theo đó, dự thảo Luật gồm 9 Chương và 92 Điều.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, còn nhiều trình tự thủ tục để dự thảo Luật trình Chính phủ thông qua, cũng như gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra. Do vậy, để đảm bảo chất lượng của hồ sơ xây dựng Luật, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến cụ thể để cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh sớm lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan.

Trình bày tóm tắt một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật, ông Bùi Tuấn Minh - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, thành viên Ban soạn thảo, Tổ trưởng Tổ biên tập nêu rõ, Quốc hội đã thống nhất thông qua khi đề xuất chính sách xây dựng Luật về tên Luật là: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chính phủ đã thông qua và báo cáo Quốc hội phạm vi điều chỉnh Luật là: “Luật này quy định việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Ngày 8/6/2024, Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trong đó, thống nhất bổ sung dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, cho ý kiến lần thứ nhất tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), dự kiến Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Phạm vi điều chỉnh trên nhằm thực hiện nguyên tắc nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp và doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật doanh nghiệp; vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản/vốn của pháp nhân doanh nghiệp;

Các quy định trong dự thảo Luật phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; việc doanh nghiệp sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp do doanh nghiệp tự quyết định; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được chủ động sử dụng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư vốn; việc đầu tư vốn để kinh doanh nhằm mục đích bảo toàn, phát triển vốn được thực hiện theo phân công, phân cấp; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm đối với vốn và tài sản của doanh nghiệp.

Trên cơ sở đó, Nhà nước xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mình đối với phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật xác định gồm: cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn; doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp và doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Qua nghiên cứu và thực tế hoạt động doanh nghiệp, Cục trưởng Bùi Tuấn Minh nêu rõ, đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác” là doanh nghiệp có vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp để thay cho quy định về đối tượng “doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư khác là doanh nghiệp có vốn đầu tư trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 100% vốn điều lệ” của Luật hiện hành.

Định hướng cho hoạt đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Các đại biểu tham gia đều đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chất lượng, đảm bảo đầy đủ luận cứ khoa học và thực tiễn của các nội dung đề xuất trên; đây là căn cứ quan trọng để triển khai xây dựng dự thảo Luật cụ thể nhằm khắc phục những bất cập hiện nay, định hướng cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Mậu - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, dự thảo luật đã đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản mang tính “cách mạng” để thực hiện triệt để chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước, cũng như các chủ sở hữu, đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, dự thảo Luật cũng mở rộng một số quyền và tăng tính chủ động cho doanh nghiệp như việc góp vốn, nguyên tắc tiền lương, cơ cấu vốn…

Phân cấp mạnh, cụ thể trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá, tư duy soạn thảo Luật lần này rất mới so với Luật 69 trước đây, định hình cách quản lý mới của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước.

Ông Tuấn nêu rõ, doanh nghiệp nhà nước trước hết hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Nhà nước cũng là một “nhà đầu tư đặc biệt”. Với dự thảo Luật lần này, nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà can thiệt thông qua đại diện do nhà nước cử ra. Cách thức tiếp cận này rành mạch và trao quyền nhiều hơn cho DNNN trong hoạt động của mình.

Chia sẻ thông tin với các thành viên ban soạn thảo, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, thực tế hoạt động doanh nghiệp cho thấy còn nhiều vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, nên cần nguồn lực và cơ chế đúng đắn để thể chế hóa các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước.

“Tại các cuộc họp, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cho rằng, khối doanh nghiệp tư nhân thì nhìn vào nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, khối doanh nghiệp nhà nước thì nhìn vào cơ chế hoạt động linh hoạt, nhạy bén của tư nhân. Vì thế, những vấn đề cần hướng tới trong dự thảo Luật là xây dựng hành lang pháp lý để tháo gỡ những nút thắt, giải phóng nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước” - ông Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn đánh giá cao ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến cụ thể vào từng điều khoản của dự thảo Luật, nhất là các ý kiến đóng góp phải trên tinh thần chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi trong dự thảo Luật theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình./.