Ngày 3/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023.

Xuất khẩu tôm đối mặt nhiều thách thức
Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 sang 108 thị trường.

Mặt hàng tôm đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản

Tại hội nghị, Tổng cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Hàng năm, đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện tôm Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia, trong đó 5 thị trường lớn nhất gồm: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Mặc dù diện tích nuôi tôm năm 2022 không tăng, nhưng sản lượng đã tăng 8,5% và kim ngạch tăng 11,2% so với năm 2021, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các giải pháp để ứng phó. Đặc biệt, phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Theo Bộ NN&PTNT, đây là kết quả của sự vào cuộc quyết liệt Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các địa phương và sự chung sức đồng lòng của người nuôi tôm trong thực hiện nhiều giải pháp thích ứng với các điều kiện bất lợi từ khách quan đến chủ quan.

Bộ NN&PTNT cũng đánh giá cao những nỗ lực của 28 tỉnh, thành ven biển, trong đó Sóc Trăng đã có 2 năm liên tiếp đạt trên 1 tỷ USD, đóng góp gần 25% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm năm 2022 đạt mức kỷ lục là nhờ vào đơn hàng gối từ năm 2021 do Covid-19 bị đình lại, giá tôm tăng, nỗ lực lớn của các doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn. Xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2022 sang 108 thị trường, thay vì 103 thị trường như năm 2021, trong đó xuất khẩu sang 9 thị trường chính chiếm hơn 97% tổng giá trị.

Xuất khẩu tôm đối mặt nhiều thách thức
Năm 2023, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.

Phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD

Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng các cơ quan chuyên môn và địa phương dự báo, năm 2023, ngành tôm Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là khó khăn, thách thức về thị trường, giá vật tư, xăng dầu tiếp tục tăng cao và nhất là biến đổi khí hậu gây ra những yếu tố bất lợi cho tôm nuôi, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh...

"Xuất khẩu tôm trong năm 2023 sẽ rất khó khăn bởi nguồn cung của thế giới đang tăng và có xu hướng giá giảm. Từ đó, dự báo nhu cầu thị trường sẽ hồi phục từ quý II/2023 trong xu hướng giá thấp hơn năm 2022"- ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP nhận định.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã nhấn mạnh, mặc dù dự báo năm 2023 gặp nhiều khó khăn hơn năm 2022, nhưng ngành tôm vẫn quyết tâm đặt mục tiêu diện tích nuôi tôm dự kiến 750.000 ha, trong đó tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác; sản lượng tôm đạt hơn 1 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD.

"Đây là nhiệm vụ rất nặng nề cần sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương, đơn vị, đặc biệt đảm bảo cho vụ nuôi thành công để tạo nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động trong chế biến, xuất khẩu"- ông Tiến nói.

Để duy trì ổn định, tạo đà bứt phá xuất khẩu khi cơ hội đến trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong tình hình mới.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã đề ra một số giải pháp trọng tâm phát triển ngành tôm trong năm 2023. "Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản thực hiện các giải pháp sát thực tiễn để đảm bảo duy trì được đà tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu năm 2023. Bên cạnh đó, chúng ta phải xác định 8 yếu tố liên quan đến vật tư đầu vào, trong đó vấn đề con giống là rất quan trọng để giảm giá thành, nâng cao giá trị nuôi tôm"- ông Tiến nhấn mạnh.

Xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng liên kết

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ triển khai hiệu quả một số đề án, chương trình đã phê duyệt đi đôi với ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện tốt công tác quản lý giống tôm nước lợ kết hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Xây dựng chuỗi sản xuất theo hướng liên kết và chứng nhận chất lượng để sản xuất an toàn, hạ giá thành và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.