Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Viện về dự thảo Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm việc với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính về dự thảo Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030.

PV: Trong 10 năm trở lại đây, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính đã có nhiều đóng góp, đặc biệt trong việc xây dựng định hướng và xây dựng chính sách tài chính. Xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Từ năm 2011 đến nay, xác định thế mạnh của Viện trong thời kỳ này là nghiên cứu chiến lược, phân tích dự báo và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, công tác nghiên cứu lý luận và xây dựng mô hình phân tích dự báo, đánh giá tác động cũng từng bước được quan tâm đẩy mạnh, gắn kết chặt chẽ nghiên cứu định tính và định lượng.

Nhờ đó, Viện từng bước khẳng định được vai trò tích cực trong quá trình tham gia xây dựng chính sách tài chính, hoàn thiện văn bản pháp luật của Bộ Tài chính khi tham gia phân tích, đánh giá tác động và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế đối với một số chính sách tài chính quan trọng như chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mô hình giám sát doanh nghiệp nhà nước, quản lý ngân sách...

Được sự ghi nhận của Lãnh đạo Bộ về kinh nghiệm và thành công trong việc xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2001 - 2010, Viện tiếp tục được giao là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng Chiến lược Tài chính Việt Nam 2011 - 2020.

Năm 2021, Viện xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tổng kết, đánh giá Chiến lược Tài chính 10 năm (2011 - 2020), từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm trong từng thời kỳ phát triển của nền tài chính quốc gia; đồng thời huy động trí tuệ tập thể của các nhà quản lý, các chuyên gia tài chính, các nhà khoa học trong và ngoài Bộ để xây dựng Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 10 năm tới.

Cùng với đó, trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã phải thực hiện nhiều chính sách tài khóa về miễn giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trước đó, Viện cũng đã chủ động nghiên cứu nhiều đề tài đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến các lĩnh vực của nền kinh tế, kinh nghiệm quốc tế trong việc sử dụng các công cụ tài khóa để ứng phó đại dịch Covid-19…

Từ đó, Viện đã đưa ra các kiến nghị giải pháp về chính sách tài chính gửi các cục, vụ, trình Lãnh đạo Bộ tham khảo trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách tài chính hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời và hiệu quả cho doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm của toàn ngành Tài chính luôn đồng hành cùng Chính phủ, cả nước đẩy lùi dịch bệnh.

Song song với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài chính, hoạt động hội thảo và tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế do Viện chủ trì tổ chức cũng ngày càng tạo được tiếng vang và uy tín trong giới khoa học.

Bên cạnh những thành tựu đạt được về nghiên cứu khoa học, với vai trò là đơn vị quản lý khoa học toàn ngành và thường trực Hội đồng khoa học tài chính, Viện đã chủ động tham mưu cho Hội đồng khoa học ngành Tài chính về định hướng nghiên cứu đảm bảo cả về mặt lý luận và thực tiễn khoa học tài chính trong từng thời kỳ.

Đi đôi với đẩy mạnh chất lượng hoạt động nghiên cứu và quản lý khoa học, Viện cũng đặc biệt chú trọng tới công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao và xã hội hóa các kết quả nghiên cứu nhằm phổ biến, giới thiệu các kiến thức về kinh tế - tài chính - ngân sách… ra ngoài xã hội thông qua việc xuất bản rất nhiều ấn phẩm khoa học và tổ chức thực hiện nội dung và xuất bản một số cuốn sách về lịch sử xây dựng và phát triển của ngành Tài chính như: Lịch sử Tài chính Việt Nam (tập I, tập II), 50 năm Tài chính trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, 60 năm Tài chính Việt Nam (1945 - 2005), 70 năm Tài chính Việt Nam (1945 - 2015)… là những tổng kết có giá trị, đúc rút kinh nghiệm và chỉ ra các bài học cho những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Như Quỳnh.
Ông Nguyễn Như Quỳnh.

PV: Theo ông, điều gì đã làm nên những thành tựu đầy tích cực như ông vừa chia sẻ?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Để hoàn thành một khối lượng lớn nhiệm vụ chuyên môn, với tâm thế luôn xác định nhân tố con người là yếu tố quyết định, trong 60 năm qua, Viện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Do vậy, trong mọi thời kỳ, đội ngũ nghiên cứu viên, viên chức của Viện vừa đảm bảo phục vụ tốt cho yêu cầu nghiên cứu của Viện, vừa đáp ứng cho nhu cầu điều động luân chuyển nhân lực chất lượng cao cho các đơn vị khác trong và ngoài Bộ. Đội ngũ nghiên cứu viên, viên chức của Viện hầu hết đều được đào tạo bài bản, có kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng biên soạn, tư duy lô-gíc, khoa học; nghiên cứu lý luận gắn với thực tiễn. Đặc biệt là, các nghiên cứu viên, viên chức của Viện khi chuyển công tác, đều được các đơn vị tiếp nhận đánh giá cao và được giao đảm nhận những công việc gắn với trọng trách lớn.

Nhận thức được sự phối hợp công tác với các đơn vị chuyên môn trong Bộ cũng như các cơ quan ngoài Bộ là chìa khóa cho sự phát triển của Viện, nhiều lượt nghiên cứu viên của Viện đã được cử sang thực tập tại các đơn vị trong Bộ để nắm vững quy trình xây dựng chính sách, nâng cao kiến thức chuyên môn kinh tế - tài chính, cũng như hình thành các mối quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị để đảm bảo nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu khoa học ngành Tài chính, tham gia các khóa đào tạo, hội thảo trong và ngoài nước.

Sự phối hợp công tác này cũng đã giúp cho Viện có điều kiện tham gia tích cực hơn vào các đề án, chương trình nghiên cứu chính sách do các cơ quan ngoài Bộ thực hiện như Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Đại học Kinh tế quốc dân, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương…

PV: Trong bối cảnh hội nhập khu vực và toàn cầu ngày càng sâu rộng, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính sẽ phát triển theo hướng nào để có thể hoàn thành được sứ mệnh được lãnh đạo Bộ Tài chính gửi gắm và nâng tầm vị thế của đơn vị, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Quỳnh: Trong bối cảnh đó, mục tiêu của Viện là tập trung xây dựng lực lượng cán bộ giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; vững vàng về chính trị; sáng tạo, chủ động trong nghiên cứu, có đủ năng lực tham gia trực tiếp vào các diễn đàn sinh hoạt khoa học về kinh tế - tài chính của khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, trên tất cả, Viện sẽ luôn là ngôi nhà khoa học chung không chỉ của các cán bộ, nghiên cứu viên của Viện, mà còn rộng mở cho tất cả các nhà khoa học trong và ngoài ngành, trong nước và quốc tế, những cá nhân và tổ chức có đam mê cống hiến vào thành tựu phát triển khoa học của ngành Tài chính nói riêng và của đất nước Việt Nam nói chung.

Để phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ nghiên cứu vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ vừa có trình độ ngoại ngữ thành thạo, Viện sẽ quan tâm mở rộng, phát triển hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, thường xuyên cập nhật những thành tựu, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước; biên tập, biên dịch, biên soạn các tài liệu của các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế, cung cấp lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tài chính - ngân sách để vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Công tác nghiên cứu khoa học từ trước đến nay luôn được Lãnh đạo Bộ Tài chính rất quan tâm, vì vậy để nâng cao được vị thế của mình, Viện sẽ luôn quán triệt phương châm công tác nghiên cứu khoa học phải gắn với thực tiễn và đi trước thực tiễn, vừa nắm chắc lý luận, vừa bám sát thực tiễn, khi đó tiếng nói của Viện, uy tín của Viện chắc chắn sẽ được khẳng định.

Hệ thống lý luận về tài chính không tồn tại bất biến, mà phải vận động biện chứng theo từng giai đoạn lịch sử cụ thể, do đó, trong thời gian tới, Viện sẽ dành sự ưu tiên nhất định cho việc nghiên cứu những đề tài lý luận cơ bản về tài chính để làm “kim chỉ nam” cho việc xây dựng hệ thống chính sách tài chính, giúp hình thành rõ quan điểm, mô hình cơ bản về tài chính phù hợp với đặc điểm và thực tiễn Việt Nam.

Trong tương lai, Viện sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác trong nghiên cứu, chủ động gắn kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu, nhà khoa học với những người làm công tác thực tiễn để các sản phẩm nghiên cứu cứu vừa có chiều sâu về hệ thống lý luận vừa bám sát thực tiễn… tạo nền tảng cơ bản để phát triển và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện, luôn xứng đáng là đơn vị nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành Tài chính.

PV: Xin cảm ơn ông!