Góp phần cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, ở Việt Nam, trước năm 2015, quản lý rủi ro (QLRR) là một nội dung còn khá mới. Để chuẩn bị cho việc áp dụng QLRR, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã có những bước chuẩn bị từ cơ chế, chính sách đến việc triển khai thí điểm ứng dụng trong nội ngành Thuế.

Thực tiễn sau hơn 10 năm áp dụng phương pháp QLRR, ngành Thuế đã kiến nghị xây dựng và cơ bản hoàn thiện được hành lang pháp lý khá toàn diện để áp dụng QLRR trong quản lý thuế; xây dựng và hình thành kho cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế (NNT)…

Phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế
Ngành Thuế ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế. Ảnh: TL

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ việc triển khai thí điểm ứng dụng QLRR vào hoạt động thanh tra thuế, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung QLRR vào Luật Quản lý thuế; đồng thời Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 về áp dụng QLRR trong quản lý thuế.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, với việc áp dụng QLRR, trong giai đoạn 2016-2020, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 472.868 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt trên 89.896 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện thanh tra 35.757 cuộc, truy thu, truy hoàn và phạt 48.423 tỷ đồng, số thuế truy thu, truy hoàn và phạt bình quân một cuộc thanh tra tăng từ 1.134 triệu đồng (năm 2016) lên 1.969 triệu đồng (năm 2020), tương ứng mức tăng 173,7%.

Về kiểm tra thuế, toàn ngành Thuế đã thực hiện 437.111 cuộc kiểm tra tại trụ sở NNT, xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 41.473 tỷ đồng. Số thuế truy thu thêm so với số thuế doanh nghiệp kê khai cho thấy, cơ quan thuế đã nỗ lực trong phân tích rủi ro, tìm ra những sai phạm trọng yếu, số thuế truy thu bình quân cao. Điều này cho thấy, công tác QLRR trong thanh tra, kiểm tra đã phát huy hiệu quả và mang lại số thuế truy thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Số thuế truy thu bình quân một cuộc thanh tra, kiểm tra tăng đều qua các năm. Cụ thể, kết quả thanh tra thuế năm 2021 là 0,809 tỷ đồng/cuộc thanh tra, thì năm 2022 là 1,366 tỷ đồng/cuộc thanh tra và năm 2023 tăng lên là 1,977 tỷ đồng/ cuộc thanh tra. Đối với kết quả kiểm tra thuế cũng tăng đều qua các năm, trong đó năm 2021 bình quân là 0,106 tỷ đồng/cuộc kiểm tra, năm 2022 tăng lên là 0,136 tỷ đồng/cuộc kiểm tra, năm 2023 tiếp tục tăng lên là 0,149 tỷ đồng/cuộc kiểm tra…

Tổng cục Thuế cho biết, tiếp nối kết quả đạt được, kể từ khi Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH15 được Quốc hội thông qua, theo đó QLRR trong quản lý thuế được quy định cụ thể; trực tiếp giao Bộ Tài chính quy định cụ thể tiêu chí để đánh giá việc tuân thủ, phân loại rủi ro đối với NNT. Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC thay thế Thông tư số 204/TT-BTC nhằm cụ thể hóa công tác áp dụng QLRR trong quản lý thuế và đặc biệt giao quyền cho Tổng cục Thuế ban hành chi tiết bộ chỉ số tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế, cũng như chủ động trong công tác quản lý của ngành.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết thêm, khi Thông tư 31/2021/TT-BTC có hiệu lực, đã sát sao chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định về QLRR bằng việc ban hành các bộ chỉ số tiêu chí, quy trình thực hiện để đáp ứng theo các nghiệp vụ quản lý thuế. Theo đó, từ năm 2021-2023, kết quả thanh tra, kiểm tra tính trên số thuế truy thu bình quân một cuộc thanh tra, kiểm tra đều tăng qua các năm.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các quy định về áp dụng QLRR trong quản lý thuế để tăng cường nội dung áp dụng QLRR trong quản lý thuế, bao gồm: đăng ký thuế; khai thuế, nộp thuế, nợ thuế; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra thuế; thanh tra thuế; quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế theo quy định.

Phân tích rủi ro nâng cao hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu thuế
Ngành Thuế tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để tăng cường nội dung áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Ảnh: TL

Ngành Thuế sẽ xây dựng các bộ tiêu chí, bộ chỉ số đánh giá rủi ro đối với từng phân đoạn NNT theo các tiêu chí, chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế; rà soát, hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế theo hướng áp dụng QLRR trong từng chức năng quản lý thuế đối với từng phân đoạn NNT đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác.

Đồng thời, để áp dụng QLRR tuân thủ có hiệu lực, hiệu quả cần có bộ máy chuyên trách tại các cơ quan thuế nhằm triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ NNT nâng cao tuân thủ, bố trí cán bộ công chức có kinh nghiệm và hiểu biết về nghiệp vụ thuế phối hợp với các chuyên viên phân tích có kinh nghiệm để xác định liệu các kỹ thuật thống kê có thể phát huy hiệu quả trong việc tìm ra nguyên nhân các rủi ro tuân thủ.

Ngoài ra, cần xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác QLRR của ngành Thuế, đáp ứng xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam. Để thực hiện hiệu quả nội dung này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, tập trung phục vụ QLRR; ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ theo chuẩn quốc tế; xây dựng mới ứng dụng phân tích rủi ro trong quản lý thuế theo mô hình kiến trúc tổng thể…

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, bên cạnh những kết quả đạt được, QLRR trong quản lý thuế hiện nay còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, cơ chế, chính sách về QLRR mặc dù đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; còn nhiều điểm chồng chéo, thường xuyên phát sinh vướng mắc khi tổ chức triển khai thực hiện trên thực tiễn; nhận thức về QLRR trong đội ngũ cán bộ, công chức thuế còn hạn chế, chưa theo kịp với nhiệm vụ công tác QLRR của ngành Thuế trong tình hình mới.

Cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như việc trao quyền và trách nhiệm thực hiện QLRR chưa phù hợp, chưa tương xứng với công tác QLRR trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, vấn đề QLRR là xu hướng tất yếu trong quản lý thuế hiện đại, đảm bảo liên kết, điều phối xuyên suốt trong các hoạt động nghiệp vụ thuế, nhưng việc sắp xếp tổ chức bộ máy QLRR trong ngành Thuế còn chưa phù hợp với thực tế triển khai công việc...