PV: Ông có nhận định gì về những cơ hội và tiềm năng của năng phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và chủ trương phát triển loại hình năng lượng này?

TS. Nguyễn Đức Hiển
TS. Nguyễn Đức Hiển

TS. Nguyễn Đức Hiển: Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết 55) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã đề ra các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp lớn, nhằm đẩy nhanh và hiệu quả quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới. Quan điểm là phát triển đồng bộ và hợp lý hóa các nguồn lực, ưu tiên khai thác sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch; khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước; chú trọng mục tiêu bình ổn điều tiết và những yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia.

Theo Nghị quyết 55, điện gió ngoài khơi đã được xác định là giải pháp có tính đột phá trong chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi khi có 28 tỉnh, thành phố ven biển với dự kiến về mặt quy mô công suất lắp đặt điện gió ngoài khơi rất lớn, đạt trên 112 GW. Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm trong xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình điện, hệ thống logistics bổ trợ của ngành dầu khí Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế, gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới.

PV: Có thể thấy chủ trương phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện gió ngoài khơi nói riêng đã được Bộ Chính trị xác định rất rõ trong Nghị quyết 55. Ông đánh giá thế nào về việc triển khai thực hiện, khi mà nghị quyết đã được ban hành gần 3 năm?

Nguồn: Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế. Đồ họa: Văn Chung

TS. Nguyễn Đức Hiển: Phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những cơ hội lớn nhưng đã và đang đối diện với những bài toán lớn như: tính chất phức tạp về công nghệ, nguồn vốn lớn và dài hạn. Đồng thời, nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải giải quyết, cần phải làm rõ như: về quy hoạch, cơ chế chính sách đầu tư xây dựng, quy định cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện, quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển phát triển chuỗi cung ứng...

Nghị quyết số 55 cũng đặt ra yêu cầu xây dựng xây dựng các cơ chế chính sách đột phá để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi gắn với thực hiện chiến lược phát triển biển Việt Nam. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới với Việt Nam nên quá trình thể chế hóa, cụ thể hóa xây dựng cơ chế chính sách trong phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa được như mong đợi.

Nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định. Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi. Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Nghị quyết 55 đã được triển khai được gần 3 năm nhưng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, tiến trình thể chế hóa và cụ thể hóa các chủ trương nêu trong nghị quyết còn chậm và kết quả còn hạn chế. Ví dụ như: Quy hoạch điện quốc gia và Quy hoạch không gian biển vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa được chính thức ban hành. Việc ra vùng biển để thực hiện công tác khảo sát phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật.

Các quy định hình thức lựa chọn nhà đầu tư hiện nay chưa được điều chỉnh phù hợp và bao quát đầy đủ đối với các dự án nhà máy điện gió ngoài khơi, thể hiện trong các luật như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực. Các lộ trình về xây dựng và các cơ chế chính sách giá cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn đang được triển khai xây dựng và thực tế là vẫn còn khá chậm.

PV: Ban Kinh tế Trung ương sẽ có những nghiên cứu, tham mưu thế nào để việc triển khai Nghị quyết 55 có hiệu quả thực chất hơn trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Hiển: Nghị quyết 55 đã yêu cầu trên cơ sở của nghị quyết, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải xây dựng và ban hành sớm chiến lược phát triển năng lượng quốc gia (Quy hoạch điện VIII). Thực tiễn quá trình xây dựng và ban hành Quy hoạch điện VIII cho đến nay là quá trình tương đối kéo dài. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xây dựng và phê duyệt Quy hoạch điện VIII để thúc đẩy đầu tư phát triển quốc gia theo yêu cầu của Nghị quyết 55, vì đây là quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ chế giá điện cho loại hình này, các quy định cấp phép, quy chuẩn tiêu chuẩn, quy định vận hành…

Đồng thời, đây cũng là lĩnh vực mới với Việt Nam, từ cách thực xác định mô hình cũng như hoàn thiện các cơ chế chính sách Việt Nam còn đang trong giai đoạn phải tham khảo các kinh nghiệm quốc tế. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tập hợp các kinh nghiệm quốc tế, bổ sung vào trong báo cáo đánh giá 3 năm triển khai Nghị quyết 55 trong thời gian tới, để tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo hoàn thiện các đề xuất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chi phí cho điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60%

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, thực tiễn, Việt Nam đã là quốc gia nhập khẩu năng lượng. Vì vậy, trước yêu cầu để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao thì tốc độ tăng trưởng đầu tư cho năng lượng cần gấp khoảng 1,5 - 1,8 lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, nhu cầu đầu tư cho phát triển năng lượng rất lớn. Trong khi đó, các nguồn năng lượng truyền thống sẽ bị hạn chế do nguồn lực tài nguyên có hạn, chuyển hướng sang phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu. Năm 2021, theo báo cáo của cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế, trên thế giới có khoảng 56 GW công suất tích lũy điện gió ngoài khơi được lắp đặt và 21,1 GW công suất điện gió ngoài khơi được đưa vào vận hành, cao gấp 3 lần so với năm 2020 cho thấy tỷ lệ tăng trưởng kép của công suất lắp đặt mới điện gió ngoài khơi giai đoạn 2012 - 2021 đạt khoảng 36%, là một tốc độ rất cao. Đối với các dạng năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi có một ưu điểm rất đặc biệt. Nó có thể là một nguồn điện nền rất quan trọng đảm bảo ổn định của hệ thống và thay thế năng lượng hóa thạch hiệu quả nhất, khi chi phí điện năng trung bình từ điện gió ngoài khơi đã giảm khoảng 60% trong giai đoạn 2010 - 2021. Đây là một điều kiện để Việt Nam có thể phát triển nguồn năng lượng từ điện gió ngoài khơi bổ sung vào nguồn năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.