dich cum A/H7N9

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu ngành y tế cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, cụ thể, kịp thời và chính xác cho các cơ quan báo chí trong công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9. Ảnh: Thúy Nga

Sáng nay (23/2/2014) tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.

Tỷ lệ chết trên mắc là 18,6%

Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 213 ca mắc mới, trong đó có 20 trường hợp tử vong, nhiều hơn so với năm 2013.

Như vậy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã có 360 trường hợp mắc, trong đó có 67 ca tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 18,6%; tỷ lệ tiếp xúc với gia cầm mắc chiếm 53%. Riêng tỉnh Quảng Tây giáp với biên giới nước ta đã ghi nhận 3 trường hợp mắc trên người và đã phát hiện sự nhiễm vi rút cúm A/H7N9 trên các đàn gia cầm.

Trong khi đó, mặc dù đến nay nước ta chưa phát hiện vi rút cúm A/H7N9, song nguy cơ xuất hiện trong thời gian tới là rất cao.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, hiện Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm. Kết quả giám sát chủ động và hệ thống giám sát của các tỉnh, thành phố trong năm 2013-2014 không phát hiện trường hợp nhiếm cúm A/H7N9.

Tuy nhiên, mỗi tháng có khoảng 130.000 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam, cùng với việc gia cầm nhập lậu khó kiểm soát, nên nguy cơ rất cao dịch bệnh xâm nhập vào nước ta, vi rút có thể lây lan sang các đàn gia cầm trong nước và lây sang người.

“Có thể rất sớm trong thời gian tới Việt Nam sẽ ghi nhận trường hợp mắc trên người từ vùng dịch trở về hoặc ghi nhận vi rút trên đàn gia cầm trong nước rồi lây sang người”, ông Phu nhận định.

Đồng tình quan điểm này, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đưa ra quan điểm, vi rút cúm A/H7N9 tại Trung Quốc ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp gia cầm, ước tính thiệt hại lên tới 26 tỷ USD.

Tại nước này, vi rút cúm A/H7N9 được phát hiện ở trên người trước khi phát hiện trên gia cầm. Việc phát hiện và tiến hành đóng cửa một số chợ gia cầm tại các tỉnh giáp với biên giới nước ta đã đưa ra mối quan ngại lớn cho Việt Nam. Theo đó, sẽ có một lượng lớn gia cầm cần tiêu hủy, dẫn đến nguy cơ gia cầm đó được chuyển lậu sang Việt Nam.

Trong khi đó, TS.Takeshi Kasai - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) cũng khẳng định, cúm A/H7N9 lây truyền từ gia cầm sang người và hiện chưa có hiện tượng lây truyền từ người sang người. Vi rút có nguồn gốc từ gia cầm nhưng lại có dấu hiệu biến đổi thích nghi với động vật có vú.

Hiện, vi rút vẫn còn nhạy cảm với Osetamivir và Zanamivir song đã có hiện tượng kháng thuốc Amantadin và Rimantadin, vắc xin phòng bệnh đang được nghiên cứu sản xuất. Vi rút gây bệnh trên người nhưng không có biểu hiện triệu chứng trên gia cầm nên rất khó xác định nguồn lây.

Đẩy mạnh tuyên truyền để tránh tâm lý hoang mang

Trước nguy cơ cao vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta, ngành y tế đã triển khai nhiều biện pháp giám sát, phòng chống trong đó đáng chú ý là triển khai tăng cường giám sát tại các cửa khẩu 24/24 giờ thông qua kiểm tra khách nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa. Qua đó, tiến hành xác định, cách ly điều trị kịp thời lấy mẫu xét nghiệm, giám sát các trường hợp đi từ vùng có trường hợp mắc về Việt Nam.

Để chủ động ngăn chặn vi rút cúm A/H7N9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã sẵn sàng phân tuyến điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ, ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị kịp thời cho cán bộ y tế, sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác điều trị, cấp cứu ngay khi phát hiện trường hợp mắc cúm A/H7N9.

Thời gian tới sẽ kiện toàn các đội cơ động phòng chống dịch bệnh, đội cấp cứu lưu động tới tận thôn bản sẵn sàng điều tra, xử lý ổ dịch, hỗ trợ các địa phương cần thiết. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền kịp thời để người dân không hoang mang, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Các cơ quan cần chủ động, kịp thời thong tin cho báo chí

Bà Tiến cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch bệnh do Phó Thủ tướng làm trưởng ban, nhằm tăng cường sự thống nhất giữa các bộ, ngành trong chỉ đạo phòng và chống dịch bệnh. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành bố trí đủ kinh phí đáp ứng theo các tình huống dịch bệnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, chúng ta đang phải lo chống dịch cúm H5N1, giờ lại đối mặt với nguy cơ cao vi rút cúm A/H7N9 xâm nhập. Vì thế, công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 cần được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tiến hành kịp thời, đồng bộ làm sao để chủng mới khi xâm nhập vào sẽ không gây nhiều tác hại như hồi cúm H5N1 mới xuất hiện.

Theo đó, ngành Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu, cảnh giác cao độ nhưng không được gây tâm lý hoang mang. Các cơ quan cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

“Kinh nghiệm cho thấy những nơi dễ xảy ra dịch thường là những địa bàn mà người dân ít quan tâm tới thông tin, hoặc thông tin mang tính chung chung. Vì thế việc tuyên truyền phải hết sức cụ thể, dễ hiểu”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, cả nước có 30 tỉnh, thành có các cửa khẩu đường hàng không, đường sắt và đường bộ, tuy nhiên chỉ có 28 tỉnh có máy đo thân nhiệt khi khách nhập cảnh song đến nay một số máy đã hỏng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, Chính phủ và Bộ Tài chính không khó khăn gì trong việc cấp kinh phí nếu điều đó là hợp lý. Tuy nhiên, do kinh phí máy mua máy không quá cao nên các địa phương hoàn toàn chủ động được./.

1. Độ tuổi trung bình của các trường hợp mắc cúm A/H7N9 là 58 tuổi; nhỏ nhất là 2 tuổi và lớn nhất là 91; độ tuổi trên 60 có số lượng mắc lớn nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh tới 71% trong khi nữ giới thấp hơn chỉ 29%.

2. Đối với cúm A/H5N1: trong 2 tháng đầu năm 2014, nước ta đã có 2 trường hợp tử vong tại Bình Phước và Đồng Tháp. Các trường hợp này đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Như vậy từ năm 2003 đến nay nước ta có 126 ca mắc trong đó có 64 trường hợp tử vong do ở 41 tỉnh, thành.

Thúy Nga