Phủ sóng rộng rãi lợi ích của doanh nghiệp ưu tiên về hải quan
Lãnh đạo Cục Hải quan Bắc Ninh trực tiếp nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hà Thái.

PV: Thưa ông, đơn vị đã có những hoạt động hỗ trợ như thế nào đối với các doanh nghiệp ưu tiên trên địa bàn quản lý?

Phủ sóng rộng rãi lợi ích của doanh nghiệp ưu tiên về hải quan

Ông Nguyễn Duy Hòa: Trên địa bàn do Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh quản lý có 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên về hải quan. Kim ngạch xuất nhập khẩu của 13 doanh nghiệp này chiếm gần 70% tổng kim ngạch của toàn Cục.

Chính vì vậy, đơn vị đã giao cho một đồng chí lãnh đạo Cục trực tiếp chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp ưu tiên này.

Các đơn vị chuyên môn của cục cũng như các chi cục đều phân công cán bộ chuyên trách là đầu mối để xử lý hồ sơ hải quan của doanh nghiệp ưu tiên. Riêng Chi cục Kiểm tra sau thông quan có phân công cán bộ chuyên quản doanh nghiệp ưu tiên để phân tích hoạt động xuất nhập khẩu, đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật hải quan đối với các doanh nghiệp ưu tiên trên địa bàn. Qua đó, tạo sự kết nối để xử lý những vướng mắc kịp thời nhanh chóng; đồng thời các doanh nghiệp ưu tiên sẽ ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình.

Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh cũng thường xuyên đánh giá các hoạt động của doanh nghiệp ưu tiên, ghi nhận khó khăn, vướng mắc và giải đáp theo thẩm quyền, kiến nghị xử lý và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đồng thời, chủ động tham gia ý kiến, tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có những nội dung sửa đổi liên quan đến doanh nghiệp ưu tiên để phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới.

PV: Ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc của cơ quan hải quan trong quá trình triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên?

Ông Nguyễn Duy Hòa: Từ khi bắt đầu triển khai năm 2011, Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Hải quan Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và sự ủng hộ, đồng thuận từ cộng đồng doanh nghiệp. Điều này đã góp phần cho sự phát triển của Chương trình doanh nghiệp ưu tiên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình, cơ quan hải quan cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Về cơ sở pháp lý, các văn bản hướng dẫn cũng như quy trình thực hiện đến nay cũng đã được 9 - 10 năm, cần sửa đổi hoặc thay thế cho phù hợp với hiện tại.

Đơn cử như với thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ. Hiện nay, nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau. Theo quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP thì phải khai tờ khai và làm thủ tục hải quan. Song, doanh nghiệp ưu tiên và đối tác, theo quy định tại Điều 86 Thông tư số 38/2015/TT-BTC lại giao hàng trước mở tờ khai sau trong thời hạn 30 ngày hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao nhiều lần trong thời hạn nhất định theo hợp đồng có cùng người mua, bán.

Hay một vấn đề khác như Hệ thống gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất trên thực tế chưa thực hiện được việc kết nối trực tiếp từ hệ thống quản trị sản xuất của doanh nghiệp đến cơ quan hải quan theo Điều 60, Thông tư số 38/2015/TT-BTC.

Ngoài ra, quy định về các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên của Việt Nam chưa hoàn toàn tương đồng với khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới, trở thành một rào cản khi Việt Nam đàm phán, ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên.

Với đặc thù tại địa bàn Bắc Ninh, phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm khoảng trên 90% tổng số lượng doanh nghiệp), không thể đáp ứng điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu như hiện nay để được áp dụng chế độ ưu tiên mặc dù đã được đánh giá ở mức tuân thủ cao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp ưu tiên trên địa bàn còn một số trường hợp vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình trong việc duy trì và nỗ lực thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ để đảm bảo tuân thủ pháp luật theo quy định.

PV: Hải quan Bắc Ninh có kiến nghị, đề xuất gì về mặt chính sách để có thể tạo thuận lợi hơn cho các đối tượng doanh nghiệp này, đặc biệt là sau khi triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với các nước khác?

Ông Nguyễn Duy Hòa: Để đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp ưu tiên khi chương trình được kết nối với các nước khác, chúng tôi kiến nghị Tổng cục Hải quan nghiên cứu xây dựng hệ thống trung gian kết nối giữa cơ quan hải quan và dữ liệu của doanh nghiệp trong đó nêu rõ các dữ liệu doanh nghiệp cần cung cấp đảm bảo yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan và theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác và truyền thông về chương trình doanh nghiệp ưu tiên. Hoặc phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam để tuyên truyền, đào tạo cho doanh nghiệp về lợi ích và điều kiện để trở thành doanh nghiệp ưu tiên nhằm phủ sóng rộng rãi về chương trình này tới cộng đồng doanh nghiệp.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực khác như thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; Giấy chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm; thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Từ đó, các cơ quan này sẽ dành những ưu tiên đặc biệt về thủ tục đối với các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.

Cuối cùng là đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng văn bản pháp quy đồng bộ như Nghị định sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP, Thông tư sửa đổi Thông tư số 38/2015/TT-BTC, Thông tư số 39/2018/TT-BTC; Thông tư số 72/2015/TT-BTC và Thông tư số 07/2019/TT-BTC về doanh nghiệp ưu tiên để đảm bảo các yêu cầu khi triển khai “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên với các nước khác”.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàn thiện theo Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Khung tiêu chuẩn SAFE

Theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới, các biện pháp Hải quan Việt Nam cần thực hiện để hoàn thiện Chương trình doanh nghiệp ưu tiên theo Chương trình doanh nghiệp ưu tiên của Khung Tiêu chuẩn an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (SAFE), gồm: Mở rộng đối tượng áp dụng chế độ ưu tiên tới tất cả các chủ thể kinh tế tham gia chuỗi cung ứng; bổ sung điều kiện an ninh đối tác và điều kiện về tài chính để công nhận doanh nghiệp ưu tiên.