Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP

Khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường với phóng viên TBTCVN.

* PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về hình thức hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là vai trò của các doanh nghiệp (DN)?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một trong những ưu tiên lớn hiện nay của ngành Nông nghiệp là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, đồng thời tập trung nguồn lực phát triển nông thôn mới.

Để thực hiện nhiệm vụ lớn này, chúng tôi coi trọng vai trò và đóng góp của khu vực DN cả trong nước và quốc tế. Chúng tôi coi PPP là một công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào ngành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và tăng cường đầu tư vào chế biến. Trong giai đoạn này, bên cạnh vai trò điều hành của Chính phủ, vai trò chủ lực của người sản xuất, cần phải có sự đóng góp của DN làm tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị, có tiềm lực giải quyết 3 điểm nghẽn lớn của nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, các DN có nguồn vốn lớn có thể tăng cường đầu tư cho nông nghiệp quy mô lớn và hiệu quả. Thứ hai, DN nhanh nhạy nắm bắt thị trường, giúp kết nối thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản trong nước và quốc tế.Thứ ba, DN có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào cơ sở sản xuất và chế biến giúp nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh cho nông sản.

Chủ trương ưu tiên thu hút đầu tư theo hình thức PPP đã được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật như Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đã được Chính phủ ban hành tháng 2/2015; thông tư về đầu tư PPP theo chuỗi giá trị đã được Bộ NN&PTNT xây dựng và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để nâng cao hiệu quả đầu tư dòng vốn tư nhân trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Trong tầm nhìn nông nghiệp của Việt Nam đến năm 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế và phát triển bền vững. Theo đó, khoa học công nghệ và đầu tư theo mô hình PPP sẽ là hai nhân tố giúp hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

* PV: Thưa Bộ trưởng, việc Bộ NN&PTNT tổ chức tọa đàm với 15 tập đoàn, DN lớn về xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp vừa qua nhằm mục tiêu gì?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đây là cuộc họp thường niên, bàn mục tiêu xây dựng mô hình chuỗi và nghiên cứu, hoàn thiện những chính sách theo hình thức PPP để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tôi rất mừng là qua một thời gian làm thí điểm với các đối tác tập đoàn, doanh nghiệp, trong một số nhóm sản phẩm của Việt Nam là cà phê, hạt tiêu, thủy sản… hiện nay đã có một số sản phẩm, mô hình bước đầu đạt kết quả.

Ví dụ nhóm sản phẩm cà phê, chủ nhóm là công ty Nestlé và cơ quan của bộ NN&PTNT đã cùng xây dựng vùng nguyên liệu và chuyển giao toàn bộ tiến bộ khoa học cho người dân trong toàn bộ các khâu từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến và cách quản trị. Ngoài ra, các nhóm sản phẩm khác cũng từng bước hoàn thiện chuỗi sản phẩm. Trên cơ sở các mô hình này, Bộ sẽ đúc kết và tham vấn cho Chính phủ hoàn thiện về thể thức, khuôn khổ PPP trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt trong chuỗi sản phẩm ngành hàng và từng mũi nhọn trong 10 sản phẩm quốc gia mà chúng ta cần định dạng. Từ đó đi đến những quy trình chuẩn về mặt khoa học cho những ngành hàng và từng sản phẩm, tiến tới sản xuất theo nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi, sản xuất gắn với tiêu dùng và thị trường.

* PV: Bộ trưởng có kỳ vọng ngành lúa gạo sẽ thực hiện được như mô hình cà phê?

- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngành gạo hiện nay có mấy vấn đề lớn. Thị trường gạo hiện nay đã có những biến động mà chúng ta cần phải có những chủ trương, chính sách điều chỉnh cho phù hợp.

Chúng ta biết rằng gạo thế giới mỗi năm giá trị thương mại giao dịch chỉ vào khoảng 34 - 36 triệu tấn hàng năm, trong khi sức cung ứng toàn cầu hiện nay rất lớn. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều quốc gia sản xuất nhiều gạo như Mianma, Thái Lan và gần đây có Campuchia, Ấn Độ…

Hơn nữa, Việt Nam đang phải chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH), vì vậy trong tổng số 7,8 triệu ha lúa trên diện tích canh tác thì chúng ta cũng phải kiểm soát tính toán lại, cân đối về nguồn nước.

Thứ hai, hiện nay sức cung của sản lượng phải đảm bảo phù hợp với cầu biến động của thế giới thì mới đảm bảo được hiệu quả cho người sản xuất cũng như công tác quản trị về thương mại.

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã xin chủ trương của Chính phủ, và Quốc hội cũng đồng tình chủ trương chuyển đổi đất lúa. Về lúa gạo sẽ có bài toán phù hợp với thách thức của BĐKH và thị trường của thế giới.

* PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hà Hạnh (thực hiện)