Trao đổi với phóng viên TBTCVN về vấn đề này, ông Ngô Văn Hồng- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển, tỉnh Quảng Bình cho biết: Việc thực hiện quy hoạch ngành lâm nghiệp có nhiều bất cập, như còn manh mún, không đồng bộ, không được triển khai, thiếu chi tiết và thiếu cơ chế bảo vệ chặt chẽ quỹ đất nông nghiệp.

Đất rừng thường xuyên bị chuyển đổi bởi những mục đích khác nhau như thủy điện, trồng cây công nghiệp, xây dựng khu công nghiệp, xây dựng nhà máy... xảy ra ở nhiều nơi và đôi lúc không tuân theo một quy hoạch nào cả.

Quảng Bình: Quy hoạch bất hợp lý dẫn đến tranh chấp, vi phạm về rừng
Tranh chấp vi phạm pháp luật đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh tồn tại dưới các hình thức như: Lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn đất, chuyển mục đích, chuyển nhượng đất đai trái pháp luật. Nhiều trường hợp kéo dài đã nhiều năm nhưng chậm được giải quyết.   Ông Ngô Văn Hồng

Bên cạnh đó, cũng có thể cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn đến tranh chấp đất là do khi quy hoạch thành lập lâm trường và khi giao đất cho các đơn vị không đo đạc, không xác định ranh giới rõ ràng trên thực địa.

Sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với công ty lâm nghiệp thiếu chặt chẽ. Chính quyền cơ sở chưa tạo điều kiện giải quyết và ngăn chặn các hành vi lấn chiếm đất, để kéo dài nhiều năm, thậm chí bất lực trong việc giải quyết mâu thuẫn đất đai…

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu công ty nông lâm trường tại Quảng Bình trong thời gian tới, ông Ngô Văn Hồng cho rằng: Trước tiên cần sửa đổi Luật Bảo vệ phát triển rừng 2004 và các văn bản pháp luật khác để người dân và cộng đồng có thể tiếp cận quản lý, sử dụng quỹ đất lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường vai trò của chính quyền địa phương cấp huyện, xã đối với việc rà soát đất đai của các công ty nông lâm trường.

Đồng thời cần có quy trình giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đất đai giữa người dân và các công ty nông lâm nghiệp theo quy trình: "Đồng thuận – Tự nguyện – Báo trước", mà nhiều nước đang áp dụng.

Không những vậy, cần minh bạch thông tin, nâng cao trách nhiệm giải trình của quản lý và sự tham gia của người dân vào quyết định, quản lý và giám sát nhằm tạo hiệu quả sử dụng đất cao hơn./.

Phúc Nguyên