Xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đồng bộ khắp cả nước

Theo đánh giá, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của Việt Nam không nhiều nhưng khá tản mạn, phân bố chưa đồng đều, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Các vùng Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc là những vùng có ít các cơ sở GDNN, chủ yếu là các cơ sở GDNN phục vụ cho đào tạo nghề ngắn hạn, còn các trường cao đẳng và trung cấp có số lượng rất ít.

Trước thực tế này, tháng 4/2021 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây được xem là cơ sở để đẩy mạnh xã hội hóa nhiều cá nhân, tổ chức tham gia các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Theo TS. Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, bối cảnh phát triển khoa học công nghệ đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là phải đổi mới công nghệ đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ công nhân. "Cơ sở GDNN phân bố không đồng đều sẽ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, làm hạn chế khả năng cung ứng lao động phát triển kinh tế của vùng đó" - ông Kha phân tích.

Dạy nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng cơ Điện Hà Nội.   					                     Ảnh: P.V
Dạy nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng cơ Điện Hà Nội. Ảnh: P.V

Các cơ sở GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh khó khăn do tâm lý người học không muốn học nghề. Phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp. Trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành lớn.

Việc triển khai thực hiện xã hội hóa GDNN còn chậm và nhiều lúng túng, không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, địa phương. Các cơ sở GDNN tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài thường tập trung ở các thành phố, vùng kinh tế trọng điểm. Có tình trạng nhiều trường cùng đào tạo nghề giống nhau trên một địa bàn, trong khi chính sách thu hút người học lại thiếu thống nhất.

"Để quy hoạch mạng lưới GDNN đồng bộ cần được sự quan tâm từ các bộ, ngành, địa phương... để có các chính sách ưu đãi và đầu tư có trọng điểm, truyền thông định hướng và phân luồng; phải gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường, đặc biệt là doanh nghiệp địa phương" - ông Kha nói.

Theo quy hoạch được phê duyệt giai đoạn tới Việt Nam sẽ hình thành 37 trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh tại 37 tỉnh thành. Như vậy sau năm 2030, trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng đa ngành.

Ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo cho rằng việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cấp thiết. Tuy nhiên, cần có sự tính toán linh hoạt, có điều kiện cụ thể tránh thực hiện cách cơ học thì sẽ phản tác dụng.

Tính toán quy hoạch linh hoạt, lấy chất lượng làm đầu

Theo ông Dương Đức Lân - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cần có chiến lược quy hoạch mạng lưới GDNN đồng bộ; cần cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động kém hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN theo quy định.

Việt Nam hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Việt Nam hiện có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước trong đó, có khoảng 900 trường cao đẳng và trung cấp, còn lại là hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Mỗi năm tuyển sinh mới 2,2 triệu người. Nhưng trong số 2,2 triệu tuyển sinh mới này chỉ có 1/4 là trình độ cao đẳng và trung cấp đào tạo chính quy trong các nhà trường. 3/4 còn lại là diện đào tạo thường xuyên, đào tạo trình độ sơ cấp.

"Đối với các cơ sở GDNN công lập đang hoạt động có hiệu quả, xây dựng lộ trình tự chủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ để tiếp tục phát huy thế mạnh của trường ngày càng phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế. Đồng thời, các đơn vị cơ sở đẩy mạnh xã hội hoá GDNN, nhất là trong các ngành công nghệ cao. Ngoài ra, các đơn vị cơ sở cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở GDNN; triển khai nhanh quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của địa phương và cả nước" - ông Dương Đức Lân nói.

Phương án quy hoạch cần tổ chức lại cơ sở GDNN theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo từng thời kỳ; ưu tiên phát triển các trường chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, các nước phát triển trong nhóm G20 và các cơ sở GDNN cho các ngành, nghề, đối tượng đặc thù; lấy mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu; thực hiện công khai, minh bạch việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN.

Bình luận về quy hoạch mạng lưới GDNN bà Phạm Quang Trang Thủy - Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng việc sáp nhập, xóa bỏ toàn bộ trường trung cấp là "vô lý".

"Mỗi nghề đều có nhiều cấp bậc đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Mỗi trường có thế mạnh và sứ mệnh khác nhau. Những trường không đủ năng lực có thể tính toán sáp nhập hoặc giải thể. Những trường làm tốt, chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động vì sao phải sáp nhập hay xóa bỏ? Không biết trên thế giới đã có nước nào làm như vậy chưa. Việc sáp nhập cần có chọn lọc. Sáp nhập toàn bộ vào một trường hoàn toàn không ổn" - bà Thủy nói.

Thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Đầu tháng 12/2021 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 2089/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội đồng gồm nhiều bộ, ngành các ủy ban phản biện. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của hội đồng. Hội đồng có nhiệm vụ tổ chức thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo quy định của pháp luật về quy hoạch.