Lăn lộn để cứu dân

Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 trong hai năm qua được xem là chưa từng có trong lịch sử ít nhất 100 năm qua. Rồi đây, lịch sử sẽ ghi lại trang “luận anh hùng” về những lãnh đạo đất nước không câu nệ, không nề hà việc khó, việc khổ, lăn lộn mọi lúc có thể để cứu dân, mà câu chuyện ngoại giao vắc-xin là một dấu ấn không thể nào quên trong cuộc đại chiến này.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore sáng 25/2/2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước tới Singapore sáng 25/2/2022.

Những ngày hè năm ngoái thực sự là những ngày mạng sống của không chỉ người dân Việt Nam mà cả trên thế giới trong tình trạng “sợi tóc ngàn cân”. Toàn cầu khan hiếm vắc-xin, trong khi đây gần như là thứ vũ khí duy nhất chống “giặc” dịch bệnh. Tháng 9/2021, sang Mỹ dự Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện các hoạt động song phương tại đây, ở vị trí của một nguyên thủ quốc gia, với lịch trình làm việc dày đặc ở New York, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vẫn tất bật ngược xuôi để có được vắc-xin cho người dân.

Ông cố gắng dành thời gian đến tận trụ sở của Tập đoàn dược phẩm Pfizer để đề cao vai trò tích cực của Pfizer trong các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là phát triển thành công vắc-xin được toàn thế giới công nhận. Có người nói “ý tứ” với Chủ tịch nước rằng, việc đến tận trụ sở Tập đoàn Pfizer như vậy có vẻ làm giảm “oai”, giảm tầm của một nguyên thủ quốc gia. Ông đáp: “Trong lúc người dân rất mong mỏi có vắc-xin, mà chỉ nghĩ đến tầm, vậy tâm với người dân thì sao?”.

Hà Nội đã chính thức mở cửa trở lại phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm từ tối 18/3/2022.
Hà Nội đã chính thức mở cửa trở lại phố đi bộ quanh khu vực Hồ Gươm từ tối 18/3/2022.

Hơn 3 ngày ở New York, Chủ tịch nước đã gặp gỡ hơn 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cùng với đó là khoảng 20 cuộc gặp, trao đổi với lãnh đạo gần 50 tập đoàn hàng đầu thế giới. Vận động hỗ trợ vắc-xin và phòng chống dịch bệnh là chủ đề xuyên suốt các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc. Có ngày, Chủ tịch nước có hơn 20 cuộc làm việc dành để ngoại giao vắc-xin.

Cũng vào mùa thu năm ngoái, dẫu là lần đầu tiên thăm châu Âu trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, không ngại điều tiếng “đi xin”, trước chuyến đi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thư cho 27 chủ tịch thượng viện, hạ viện các nước để vận động nguồn cung vắc-xin. Trên hai chuyến bay chuyên cơ của các lãnh đạo đất nước những ngày đó, vắc-xin đã được dành “chỗ ngồi” ưu tiên ở mức tối đa - điều trước nay chưa từng có.

Lòng dũng cảm song trùng

Cho đến cuối năm 2021, Việt Nam thực sự bước qua thời khắc “sinh tử” của đại dịch. Nhìn lại thời khắc đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ: “Chúng ta đã bằng mọi biện pháp có thể (mua, vay, mượn...) để đưa vắc-xin về nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay”. Ông nói thêm: “Nói chung là làm tất cả biện pháp để có vắc-xin, lúc đó không sĩ diện gì hết, miễn có vắc-xin. Trong khoảng 210 triệu liều vắc-xin chúng ta đã tiếp nhận thì có tới gần 1 nửa là từ nguồn viện trợ qua các cơ chế đa phương và song phương”.

Nỗi đau nào lớn hơn?

“Khi gửi thư tới Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào ngày 30/5/2021 và đồng thời tiến hành công cuộc ngoại giao vắc-xin, biết trước thế nào rồi cũng có dư luận xã hội cả trong nước và quốc tế “ném đá” rằng nguyên thủ quốc gia mà “đi xin”. Nhưng chúng ta bằng lòng nhận “gạch đá”. Bởi nỗi đau nào là lớn hơn nếu để người dân của chúng ta nguy hiểm tính mạng vì không có đủ vắc-xin?” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Sự dũng cảm của lãnh đạo đất nước vượt qua mọi rào cản, mọi khoảng cách để có được vắc-xin, cùng với sự dũng cảm của toàn dân sẵn sàng tiêm vắc-xin, đã đưa Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp ở thời điểm đợt dịch thứ tư bùng phát (ngày 27/4/2021 mới có 320.000 liều vắc-xin được tiêm), cho đến cuối năm 2021 trở thành một trong 6 quốc gia có độ tiêm phủ vắc-xin cao nhất thế giới, với gần 100% người dân đã tiêm đủ liều.

Với lòng dũng cảm song trùng của “tướng, sĩ một lòng phụ tử”, thì thời khắc gian nguy nhất đã trở thành thời khắc “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”, như Nguyễn Trãi từng viết vào mùa Xuân của gần 6 thế kỷ trước. Và giờ đây, như Thủ tướng Phạm Minh Chính hay nói: “Chúng ta đã đủ bình tĩnh để khôi phục phát triển kinh tế”.

Dù vậy lúc này, dường như chúng ta lại thiếu đi lòng dũng cảm song trùng. Lúc thì người dân trong trạng thái “sốc vỏ đạn”, quay cuồng dốc túi mua kit test. Có triệu chứng: test, không triệu chứng cũng test. Thậm chí có gia đình không ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì sợ hãi Covid. Có người một ngày xét nghiệm 3 lần để xem có lên vạch không? Hoặc có F0 nóng lòng, liên tục tự xét nghiệm để xem vạch mờ hay chưa?

Lúc thì cơ quan quản lý loay hoay với các văn bản liên quan đến quản lý F0 chỉ được ra khỏi “phòng” chứ không được ra khỏi “nhà”, trong khi F0 chạy khắp nơi đã không còn là chuyện có thể quản hay không quản được. Hơn lúc nào hết, bây giờ tiếp tục cần có tinh thần xả thân, quyết đoán, dứt khoát bước ra khỏi hành lang an toàn, không sợ hãi trách nhiệm, để đất nước có thể thực sự tự tin trong quá trình “mở cửa”.

“Tự ta, ta phải dốc lòng”

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên “xông đất” Đảo quốc Sư tử và sau đó, người dân Singapore là những du khách đầu tiên đặt chân đến Việt Nam ngay khi Việt Nam mở cửa sau đại dịch. Cùng lúc, khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III động thổ với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cùng với láng giềng thân thiết Singapore, người bạn hàng xóm Malaysia cũng bắt chặt tay cùng Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Malaysia nhất trí về các phương hướng thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực để cùng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2025.

Còn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lần thứ hai trong vòng 3 tháng qua làm việc với Đoàn đại biểu lãnh đạo cấp cao Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) để “đào sâu” những cơ hội phát triển mới cho nền kinh tế. Trong đại dịch và vào lúc khó khăn nhất về vắc-xin, Hoa Kỳ là quốc gia hỗ trợ nhiều nhất vắc-xin cho Việt Nam. Trong phát triển kinh tế, năm 2021, thời điểm kinh tế Việt Nam khó khăn chưa từng có trong vòng nửa thế kỷ qua, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn đạt hơn 111 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ cũng là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD.

Sau hành trình vắc-xin, các lãnh đạo đất nước tiếp tục miệt mài với con đường tái thiết đất nước, như trải lòng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “luôn với tâm niệm “tự ta, ta phải dốc lòng” để dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn khó đoán, để dũng cảm đối sách với mọi biến động khó lường”.

Trong một diễn biến có liên quan đến lòng dũng cảm để đương đầu với mọi khó khăn khó đoán, mọi biến động khó lường, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, dưới sự chủ trì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo, ráo riết tổ chức các cuộc họp để đánh giá toàn diện kết quả thực hiện nghị quyết này.