![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh hiện là "thời cơ vàng" để sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Ảnh: Quang Phúc |
Thời cơ vàng để thực hiện cải cách
Phát biểu tại cuộc họp tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, chủ trương của Đảng về tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình, ủng hộ; được tổ chức triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả. Điều này cho thấy chủ trương là đúng đắn, đáp ứng mong đợi của người dân.
Tổng Bí thư cũng khẳng định, mục tiêu tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm chi phí, tiết kiệm ngân sách, mà quan trọng hơn là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển. Muốn đất nước tồn tại và phát triển, bên cạnh việc giữ vững an ninh, chủ quyền, thì nhiệm vụ rất quan trọng là phải có tăng trưởng. Tăng trưởng không chỉ thể hiện ở con số phải gắn với nâng cao đời sống người dân, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân tất cả các lĩnh vực, từ xã hội đến y tế, giáo dục, văn hóa… Đó chính là hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh "Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả được sự hưởng ứng rất tốt trong nhân dân, trong cán bộ, đảng viên. Chúng ta sắp xếp để bộ máy tinh gọn nhưng phải mạnh. Muốn mạnh phải có con người. Phải chọn được người tinh hoa, người tài, người có đủ năng lực, phẩm chất để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói. |
Tổng Bí thư chỉ rõ, từ nhiều năm nay, Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Nếu để sau Đại hội tới đây mới tính đến chuyện cải cách, sắp xếp lại bộ máy thì sẽ rất vướng, khi các nghị quyết đã được thông qua. Do đó, thời điểm hiện nay là thời cơ vàng để chúng ta bắt đầu cải cách.
Một vấn đề quan trọng nữa là năng lực cạnh tranh của thị trường, bộ máy nhà nước phải tính đến việc đó. Điều này ảnh hưởng đến vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Nhìn lại 40 năm đổi mới, thành quả của chúng ta rất vĩ đại, nhưng nhìn sang xung quanh thì chúng ta đang quá chậm, khả năng cạnh tranh quốc gia rất khó khăn.
Điều này được Tổng Bí thư dẫn nhiều ví dụ từ quá trình phát triển mạnh mẽ của các nước xung quanh như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… với xuất phát điểm thấp nhưng nay đã vượt xa Việt Nam.
Chẳng hạn Trung Quốc thời điểm trước cải cách có thu nhập bình quân đầu người khoảng 300 – 400 USD nhưng nay đã đến khoảng 12.000 – 15.000 USD, trong khi Việt Nam mới ở mức 5.000 USD. Ngay cả trong ASEAN, Việt Nam cũng đang khó lòng theo kịp Malaysia nếu không có sự thay đổi. Nguy cơ tụt hậu này, theo Tổng Bí thư, đã được Đảng ta nhận định từ nhiều năm trước và hiện nay đang càng phức tạp hơn.
Chính vì vậy, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền là càng cấp thiết. Mục tiêu là để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước, giai đoạn đòi hỏi phát triển tốc độ rất cao, rất nhanh và bứt phá để thoát nguy cơ tụt hậu. Trong đó, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy chỉ mới là bước đầu của quá trình dài phía trước.
Không vì quy định cứng nhắc làm chậm quá trình phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ cũng nhấn mạnh quan điểm "thực tiễn là thước đo. Những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì phải giải quyết ngay, không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc mà làm chậm quá trình phát triển của đất nước".
Theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất quan điểm phải phân cấp mạnh cho Chính phủ để Chính phủ chủ động, kịp thời quyết định các vấn đề thực tiễn, giải quyết các điểm nghẽn, các rào cản, khơi thông nguồn lực phát triển.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Quốc hội xem xét, thông qua các luật rất kỹ lưỡng. Thực tế, cùng một hệ thống pháp luật, có địa phương thực hiện tốt, rất chủ động, sáng tạo, không than khó gì với Trung ương, nhưng cũng có địa phương không thực hiện được, ách tắc việc này, việc kia thì lại đổ cho luật, cho nghị định, thậm chí có địa phương chưa làm đã than khó.
Để xử lý nhanh các công việc, vừa qua, Quốc hội đã đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, giao quyền mạnh hơn cho UBTVQH, UBTVQH cũng ủy quyền mạnh hơn cho Chính phủ.
"Lần này sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương là giao quyền mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho Chính phủ, phân cấp mạnh cho địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát. Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện luật, giám sát việc ban hành nghị định, thông tư của Chính phủ có đúng với luật hay không. Hội đồng nhân dân địa phương cũng phải tăng cường chức năng giám sát mạnh hơn" - Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về xử lý một số vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy phải bám sát chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, tạo cơ sở pháp lý để bộ máy đi vào hoạt động, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn một lần nữa nêu rõ "phải quyết đoán, quyết liệt, quyết tâm nhưng phải bằng quyết làm nữa thì mới có sản phẩm cho đất nước".
Sửa các luật kịp thời để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy Thảo luận tại tổ sáng 13/2, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các luật liên quan đến tổ chức bộ máy là rất kịp thời, đáp ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Các dự thảo luật đã bám sát theo yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, đã thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiến tạo phát triển. Điểm mới chung của 2 dự án luật này là tập trung sửa đổi thẩm quyền cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Theo đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn TP. Hà Nội), việc phân cấp, phân quyền cần gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Cùng với đó, không nên quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, chỉ nên quy định về quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc. Bởi phương pháp thực hiện phụ thuộc vào tư duy của mỗi người, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm. Đại biểu Lê Quân (đoàn TP. Hà Nội) đề nghị nới rộng cơ chế phân cấp và ủy quyền, giúp tháo gỡ và giảm thủ tục hành chính. Đại biểu nêu thực tế, các vướng mắc xảy ra nhiều nhất là các địa phương hỏi bộ, ngành, do đó cần phân cấp nhiều hơn cho chủ tịch UBND các tỉnh; cấp tỉnh có quyền được phân cấp nhiều hơn cho cấp sở, ngành và cấp huyện. Bên cạnh bổ sung quy định phân cấp cho các thủ trưởng đơn vị trực thuộc, có thể phân cấp cho các tổ chức đáp ứng được yêu cầu và ủy quyền cho các cá nhân đáp ứng được yêu cầu... Một số ý kiến khác đề nghị làm rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, về điều kiện thực hiện quyền lực, trong đó quy định nhiệm vụ nào có thể phân quyền thì phân quyền ngay cho địa phương, bởi phân cấp được quy định trong luật, nhưng phân quyền lại được quy định trong các văn bản dưới luật. |