Theo cử tri tỉnh Bình Dương, địa phương là một trong những tỉnh, thành nộp ngân sách về trung ương cao so với cả nước. Tuy nhiên, hiện nay vốn đầu tư phát triển hàng năm của tỉnh còn thấp so với nhu cầu thực tế. Cử tri đề nghị nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh nhằm có đủ nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thu ngân sách 8 tháng ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng
Địa phương kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết để thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, việc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đối với từng địa phương (trong đó có tỉnh Bình Dương) được căn cứ vào dự toán thu ngân sách nhà nước và dự toán chi ngân sách địa phương tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư, chi thường xuyên) do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành. Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 122/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, năm 2022 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách (xác định lại tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương), dự toán thu ngân sách xây dựng trên cơ sở pháp luật thuế, phí, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn của địa phương và Bộ Tài chính đã thống nhất với UBDN tỉnh Bình Dương, dự toán chi ngân sách tỉnh tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ (chi đầu tư theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 và chi thường xuyên theo Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH15 ngày 1/9/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tỷ lệ điều tiết của tỉnh Bình Dương theo định mức phân bổ là 35%.

Căn cứ khả năng cân đối ngân sách trung ương năm 2022, Chính phủ đã trình và được Quốc hội quyết định (Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022) bổ sung 376 tỷ đồng (toàn bộ phân bổ tăng chi đầu tư phát triển), theo đó tỷ lệ điều tiết của tỉnh năm 2022 là 36%, bằng giai đoạn trước.

Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định “Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và số bổ sung cân đối của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương áp dụng riêng cho năm 2022. Căn cứ tình hình thực tế, năm 2023, Quốc hội sẽ quy định lại cho phù hợp”.

Vì vậy, căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 40/2021/QH15 của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định lại tỷ lệ điều tiết của tỉnh Bình Dương để áp dụng từ năm 2023.

Các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối

Luật Ngân sách nhà nước (khoản 8 Điều 9) quy định: "Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên so với tổng chi ngân sách địa phương hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) nộp về ngân sách cấp trên đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách để tăng nguồn lực cho ngân sách cấp trên thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia và phát triển đồng đều giữa các địa phương".