Mua sắm xe công được hạn chế nhằm tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Mua sắm xe công được hạn chế nhằm tiết kiệm chi ngân sách nhà nước.

Trong điều hành, Bộ Tài chính luôn thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước để quản chặt “túi tiền” quốc gia.

Triệt để tiết kiệm trong sử dụng ngân sách

Trong những năm qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN), đặc biệt về chi ngân sách đã tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu năm ngân sách, Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện dự toán chi NSNN với những yêu cầu chặt chẽ về thời gian, nội dung phân bổ và tổ chức thực hiện dự toán, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Cơ cấu chi tiếp tục chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm kinh phí NSNN, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế chi mua sắm xe ô tô công, thiết bị đắt tiền, tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, khánh tiết, công tác nước ngoài; sử dụng dự phòng ngân sách các cấp đúng mục đích. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - NSNN được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, chống thất thu, thất thoát, lãng phí NSNN. Ví như trong năm 2019, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, các cơ quan của Bộ Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 71,7 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 25,1 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, các đơn vị trong Bộ Tài chính đã triển khai trên 85 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; kiến nghị xử lý tài chính trên 76 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN gần 22 nghìn tỷ đồng.

Công tác quản lý tài sản công đã đi vào nền nếp. Việc quản lý trụ sở làm việc, nhà, đất công được các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật. Những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp, đôn đốc các bộ, ngành ở Trung ương khẩn trương rà soát, sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các tổ chức, đơn vị trực thuộc. Riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 28.182 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương...

Siết giảm chi tiêu ngay từ khâu dự toán

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 theo nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - NSNN; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; công khai, minh bạch và thực hiện triệt để tiết kiệm ngay từ khâu xác định nhiệm vụ.

Đồng thời, Bộ Tài chính tổ chức điều hành dự toán NSNN chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính - NSNN; quản lý chi trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, triệt để tiết kiệm toàn diện trên các nội dung chi. Nhiều năm nay, Bộ Tài chính nhất quán thực hiện, chỉ ban hành mới chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo. Bên cạnh đó, từng bước thực hiện phương thức nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ nghiên cứu, khoán kinh phí nghiên cứu khoa học đến sản phẩm cuối cùng; tiếp tục cải cách công tác kiểm soát chi NSNN theo hướng thống nhất quy trình, tập trung đầu mối, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng NSNN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm soát chi, quản lý thu NSNN.

Để sử dụng hiệu quả tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả mua sắm tài sản công theo phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; chấm dứt việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định. Đồng thời, thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, hết thời gian sử dụng theo quy định...

Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ NSNN cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, coi đây là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý tài chính – NSNN. Theo đó, ngay ở khâu dự toán, các bộ, ngành, địa phương lập dự toán chi trên cơ sở nhiệm vụ được giao, hệ thống định mức phẩn bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện phân bổ ngân sách đến từng đơn vị sử dụng ngân sách, các chương trình, nhiệm vụ lớn và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành dự toán ngân sách. Cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đóng vai trò hậu kiểm và chỉ có ý kiến khi việc phân bổ không đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chế độ, chính sách...

Phải sử dụng ngân sách tiết kiệm trên tất cả các lĩnh vực

“Ngoài việc phải tuân thủ pháp luật về quản lý ngân sách, các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng ngân sách cũng phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả trên các lĩnh vực như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản... tránh gây thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước”. Ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính)

Minh Anh