Từ 1 thẳng tiến 400

Lúc sinh thời Bác Hồ luôn quan tâm đến hoạt động nhân đạo. Người đã sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt 23 năm (từ năm 1946 đến năm 1969). Người đã căn dặn: "Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ". Hoạt động nhân đạo, từ thiện đã trở thành một hoạt động thường xuyên, liên tục luôn được Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm.

Ngày 29/4/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành trường THCS Triệu Thành (Quảng Trị) - ngôi trường do Chủ tịch nước phát động các nhà hảo tâm xây dựng.
Ngày 29/4/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khánh thành trường THCS Triệu Thành (Quảng Trị) - ngôi trường do Chủ tịch nước phát động các nhà hảo tâm xây dựng.

Bắt đầu từ năm 2018, Tháng Nhân đạo được tổ chức từ ngày 1/5 đến 31/5, cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trong lần đầu tiên tổ chức đó, những con số hưởng ứng lời kêu gọi nhận được còn khá khiêm tốn, mới chỉ có 1,1 tỷ đồng và 11 máy liên lạc hàng hải từ các doanh nghiệp và Đội tuyển Bóng đá quốc gia U23 tặng cho Quỹ Nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Năm 2018 cũng là năm Thủ tướng Chính phủ khi đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã ban hành riêng một chỉ thị là Chỉ thị số 18, ngày 09/7/2018 về nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới,

Và trong lần tổ chức thứ 5 - năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đứng ra kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước cùng chung tay, góp sức tham gia các hoạt động. Đây cũng là lần đầu tiên Tháng Nhân đạo nhận được sự “ra tay” trực tiếp của người đứng đầu Nhà nước. Ngay trong lễ phát động, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã nhận được khoản tiền ủng hộ gần 400 tỷ đồng của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, con số mà hội dự định phấn đấu đạt được trong cả tháng cao điểm này. Với 400 tỷ đồng, dự kiến trợ giúp được 1 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn.

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký kết hợp tác với các đơn vị tài trợ tại buổi Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022, sáng 25/4.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ký kết hợp tác với các đơn vị tài trợ tại buổi Lễ phát động Tháng Nhân đạo năm 2022, sáng 25/4.

Chọn miền Trung là nơi tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lý giải rằng: “Mảnh đất miền Trung là nơi từng viên đá, hòn sỏi ở đây đều là chứng tích của chiến tranh và thiên tai vào dạng khốc liệt bậc nhất Việt Nam. Nơi mà lòng quả cảm, sức chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần vượt khó, vươn lên của đồng bào đã trở thành biểu tượng. Và cũng chính nơi đây đã in hằn hàng triệu dấu chân của những người tình nguyện, những hoạt động nhân đạo, góp phần ngăn chặn và xoa dịu bớt những đau thương, cơ cực cho người dân…”.

Kịp thời “giải cứu”

Với mong muốn Tháng Nhân đạo thực sự trở thành tháng toàn dân làm nhân đạo, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước kêu gọi các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chung sức với Đảng và Nhà nước Việt Nam, trợ giúp ngày càng hiệu quả hơn người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội; xây dựng một cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái, khỏe mạnh và an toàn trước dịch Covid-19 và thiên tai, thảm họa, chiến tranh.

Phải là một xã hội tràn đầy yêu thương

“Tháng Nhân đạo năm 2022 với chủ đề "Gắn kết cộng đồng - Lan tỏa hành động nhân ái" mang theo thông điệp mong muốn mọi người hãy kề vai, sát cánh bên nhau bằng những việc làm tử tế, ý nghĩa, thiết thực. Từ mỗi hành động nhân ái nhỏ bé sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nhân lên thành nhiều hành động đẹp, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, một xã hội giàu nhân ái, tràn đầy tình yêu thương. "Để đo được sự cao quý của tâm hồn, không phải là tài năng, không phải là danh dự, không phải là thị hiếu… mà chính lòng nhân ái mới là thước đo cho điều cao quý ấy". Tôi xin dành tặng câu châm ngôn này cho tất cả những ai chưa bao giờ ngơi nghỉ những hành động gắn kết và lan tỏa yêu thương trên khắp mọi miền Tổ quốc”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Nhớ đến đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 2020, trong đó nặng nề nhất là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, Phú Yên..., đã khiến cho hàng trăm người chết và mất tích, chưa kể những thiệt hại to lớn về tài sản, Chủ tịch nước thấy trong khó khăn đó đã bừng lên mạnh mẽ tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc, của đồng bào trên mọi miền của Tổ quốc. Nhiều hoạt động tình nguyện và nhân đạo đã diễn ra, góp phần xoa dịu những nỗi đau và mất mát của đồng bào miền Trung thân yêu. Ông cũng nhắc đến hình ảnh của những chiến sỹ áo trắng, những tình nguyện viên trên mọi miền đất nước đã không ngại rủi ro, xông pha tuyến đầu chống dịch Covid-19 và nói đó là những hình ảnh không bao giờ quên.

Liên quan đến đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung năm 2020, giới văn nghệ sĩ - một trong những lực lượng chủ lực hỗ trợ nhân đạo cho vùng này, vừa trải qua phen “nghẹt thở” vì nghi án ăn chặn tiền từ thiện. Khoảng giữa năm ngoái, showbiz Việt náo loạn khi Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam Nguyễn Phương Hằng tố nhiều tên tuổi sừng sỏ như ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC, diễn viên Trấn Thành… thiếu minh bạch trong quá trình phân phối, sử dụng số tiền đã quyên góp.

Bộ Công an vào cuộc tức thời, sau khi kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, đã kết luận những nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung gặp thiên tai, lũ lụt năm 2020. Tháng 3/2022, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam Nguyễn Phương Hằng đã bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tuần tự ra, vào

Câu chuyện thời sự nhất của thời kỳ hậu Covid-19 là diễn biến “khắc nhập” tấp nập vào trại giam của các loại hình tội phạm kinh tế. Như vụ “thổi giá” kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam gần 30 cán bộ tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ và lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các địa phương. Hay như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đến nay đã có 8 người bị khởi tố, bắt giam, trong đó có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.

Lệnh bắt cũng được xướng lên gần như đồng loạt với Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty cổ phần Louis Holdings Đỗ Thành Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt Đỗ Đức Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn…

Trước khi diễn ra sự hối hả dòng chảy “đầu vào” của các trại giam, thì ở “đầu ra”, lần đầu tiên kể từ khi Luật Đặc xá sửa đổi năm 2018 có hiệu lực, Nhà nước tiến hành đặc xá với quy mô rất lớn, với việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 30/8/2021 ký quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân, trong tổng số hơn 100.000 phạm nhân đang thi hành án tại các cơ sở cải tạo, giam giữ. Dòng chảy này đã trao cơ hội thêm lần nữa lại được tận hưởng đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của công dân đối với hàng nghìn người từng có thời lầm đường, lạc lối.

Việc đặc xá này được thực hiện từ ngày 1/9/2021 để những người được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước có thể kịp đoàn tụ với gia đình đúng dịp Tết Độc lập. Còn vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ngày 28/1/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng ký quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân đối với 4 phạm nhân.