Dự phòng ngân sách cho phòng chống thiên tai

Số lượng thiên tai ngày càng tăng và thiệt hại cũng tăng theo. Theo Văn phòng Liên Hợp quốc về giảm thiểu rủi ro thiên tai (UNDRR), thiệt hại kinh tế do thiên tai gây ra trong năm 2022 ước khoảng 313 tỷ USD, cao hơn năm 2021 là gần 270 tỷ USD. Các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp chịu tổn thất tương đối lớn hơn, trung bình thiệt hại do thiên tai gây ra chiếm 0,8 - 1% GDP quốc gia mỗi năm, so với 0,1% và 0,3% ở các quốc gia thu nhập cao và thu nhập trung bình cao.

Nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạt khoảng 20 - 30% nhu cầu thực tế của các địa phương. Ngoài ra, chưa có dòng ngân sách riêng để chủ động khắc phục hậu quả thiên tai. Tiến độ khắc phục hậu quả ở một số địa phương còn chậm, chưa đầy đủ...

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Chỉ trong năm 2019, Việt Nam phải chịu 600 sự kiện thiên tai, gồm 16 loại (trong tổng số 21 loại hình thiên tai). Năm 2022 cũng chứng kiến diễn biến thiên tai phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động kinh tế của người dân, với có 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) xảy ra, tổng số 1.072 đợt thiên tai.

Hạn hán và xâm nhập mặn gần đây nổi lên là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long, làm thiệt hại kinh tế hàng năm lên tới 5.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai đã gây thiệt hại kinh tế lên tới 19,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 830 triệu USD), tăng 3,4 lần so với mức thiệt hại ghi nhận trong năm 2021.

Sử dụng các công cụ tài chính ứng phó biến đổi khí hậu
Nguồn: UNDRR Đồ họa: Văn Chung

Với đường bờ biển dài, nguy cơ Việt Nam ngày càng phải chịu nhiều thiên tai, dẫn đến thiệt hại đáng kể về người và kinh tế, tuy nhiên các biện pháp quản lý rủi ro hiện tại vẫn chưa đủ. Một nghiên cứu mới đây của UNDP cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển khả năng phục hồi bền vững, nếu không những nỗ lực và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới với khoảng hàng tỷ USD có thể bị xóa sạch bởi những cú sốc tự nhiên.

Theo ông Kamal Malhotra - nguyên Điều phối viên Liên Hợp quốc thường trú tại Việt Nam, Liên Hợp quốc đã huy động các nguồn lực quốc tế để giải quyết các vấn đề bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn tại Việt Nam trong năm qua. Chỉ riêng mục tiêu hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu gây ra ở các vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung, đã huy động hơn 60 triệu USD từ Quỹ Khí hậu xanh để tăng cường khả năng phục hồi của các cộng đồng ven biển bị tổn thương.

Về mặt tài chính, Việt Nam hiện đang sử dụng một số nguồn kinh phí để cung cấp tài chính cho ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, bao gồm dự trữ ngân sách trung ương và địa phương, phân bổ ngân sách cụ thể, dự trữ vật chất nhà nước, quỹ dự trữ tài chính, quỹ phòng chống thiên tai và viện trợ của các nhà tài trợ.

Cần thiết mở rộng phạm vi hỗ trợ

Chi cho khắc phục hậu quả thiên tai hiện phụ thuộc nhiều vào ngân sách trung ương. Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ có nông nghiệp là lĩnh vực được thực hiện bảo hiểm rủi ro thiên tai và nhóm các sản phẩm bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Việt Nam chưa có sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai riêng biệt.

Theo Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Nghị định số 78/2021/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai và Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều, hiện nay Quỹ phòng, chống thiên tai đã được thành lập tại cấp trung ương, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và 62/63 tỉnh thành trên cả nước trực tiếp do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Sử dụng các công cụ tài chính ứng phó biến đổi khí hậu
Ảnh minh họa

Nguồn tài chính của quỹ là từ nguồn hỗ trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ tự nguyện cho Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương của các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; điều tiết từ quỹ cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thu lãi từ tài khoản tiền gửi; tồn dư quỹ trung ương năm trước được chuyển sang năm sau; các nguồn hợp pháp khác.

Quỹ phòng, chống thiên tai là một trong những công cụ tài chính thể hiện rõ nhất sự tham gia của khối tư nhân, doanh nghiệp và người lao động vào hoạt động phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên, sự đóng góp của quỹ còn hạn chế, nhất là quỹ phòng, chống thiên tai địa phương, chưa thể hoạt động đầy đủ, trong khi các công cụ chuyển giao rủi ro đổi mới vẫn đang trong giai đoạn đầu.

Nhu cầu về tài chính liên quan đến thảm họa lớn do biến đổi khí hậu là rất lớn, đòi hỏi phải xây dựng một kế hoạch tài chính để hạn chế gánh nặng tài chính do tổn thất tài chính do thảm họa lớn liên quan đến khí hậu. Do đó, việc mở rộng phạm vi được hỗ trợ bởi bảo hiểm rủi ro thiên tai là rất cần thiết.

Tăng khả năng bảo vệ tài chính quốc gia trước cú sốc thiên tai

Ngày 10/2/2022, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) để trở thành thành viên thứ 8 của Công cụ Bảo hiểm rủi ro thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF), bao gồm các quốc gia: Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Singapore, Nhật Bản và Việt Nam.

Với việc tham gia này, Việt Nam có nhiều cơ hội để quan sát, tìm hiểu và tiếp cận các giải pháp kỹ thuật, tài chính của khu vực và quốc tế giúp tăng cường khả năng bảo vệ tài chính quốc gia và người dân trước những cú sốc về thiên tai và khí hậu. Từ đó, Chính phủ sẽ có đầy đủ thông tin để xác định được các công cụ hiệu quả, đặc biệt là các công cụ tài chính để ứng phó với các tác động ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu.

Tài chính được thu xếp trước (PAF) thể hiện số tiền mà tổ chức phát hành vay từ thị trường vốn, dưới hình thức tín dụng dự phòng, cơ chế chung chịu rủi ro khu vực và trái phiếu thảm họa, sẽ được sử dụng nếu một sự kiện cụ thể xảy ra.

Mặc dù PAF đã phát triển trong hai năm qua như một công cụ để giải quyết những tổn thất liên quan đến thời tiết và thiên tai, nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn tài trợ khủng hoảng quốc tế và với các quốc gia vay nợ nhiều, khó có khả năng chi trả. Trên toàn thế giới, các công cụ của PAF như trái phiếu thảm họa có chủ quyền, đã chi 1,8 tỷ USD cho các đợt bùng phát dịch bệnh, bao gồm Covid-19; 1,3 tỷ USD cho các cơn bão nhiệt đới và 834 triệu USD cho lũ lụt và lở đất từ năm 2009-2023.

Trong nghiên cứu gần đây của UNDP do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) thực hiện, cho thấy nhu cầu về tài chính để bù đắp cho những tổn thất do các thảm họa lớn liên quan đến khí hậu ở Việt Nam ngày có xu hướng tăng cao.

Hàng năm, thiệt hại trực tiếp bình quân về kinh tế do bão lũ ước tính khoảng 0,22% GDP. Với xác suất 1%, tương ứng với chu kỳ lặp lại là 1 trong 100 năm, thiệt hại có thể xảy ra do bão gây ra lên tới 8,7 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP năm 2019. Mức thiệt hại này cao gấp 15 lần mức thiệt hại trung bình dài hạn (0,2% GDP năm 2019) và vượt xa mức thiệt hại lịch sử cao nhất (1,1% GDP năm 2019).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam chưa có chiến lược toàn diện để tối ưu hóa các nguồn vốn có thể huy động, đặc biệt là ở cấp địa phương. Đồng thời xây dựng chiến lược bảo vệ tài chính trước các chi phí hay rủi ro do dịch bệnh và thiên tai nói chung, thảm họa lớn liên quan đến khí hậu nói riêng.