12 nội dung cơ bản được đề xuất sửa đổi, bổ sung

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Luật phải tập trung vào nội dung cơ bản nhất, có tác động trực tiếp tới thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đó, những nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật đã bám sát theo các nhóm chính sách tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng dự án Luật gồm: Chính sách về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công (TSC); chính sách về việc áp dụng pháp luật giữa Luật Quản lý, sử dụng TSC với các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Sửa Luật để tập trung phân cấp, phân quyền triệt để tài sản công
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính. Ảnh: H.T

Cụ thể, có 12 nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật, đó là: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm ban hành định mức chi bảo dưỡng, sửa chữa TSC cho thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng TSC.

Ngoài ra, bổ sung đối tượng áp dụng là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định chế độ quản lý, sử dụng TSC tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện tương tự như chế độ quản lý, sử dụng TSC tại tổ chức chính trị - xã hội; sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý TSC.

Dự thảo Luật cũng bổ sung hình thức “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” đối với TSC tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng (TSKCHT); sửa đổi quy định về việc xử lý vật tư, vật liệu thu hồi từ thanh lý phá dỡ, hủy bỏ TSC mà còn sử dụng được. Cập nhật hình thức xử lý TSC sau khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền đối với hình thức “Giao Tổ chức phát triển quỹ đất phát triển, quản lý, khai thác” và hình thức “Giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương để quản lý, khai thác”. Sửa đổi quy định về hình thức bán TSC theo hướng hình thức bán không được áp dụng đối với TSC là đất, tài sản gắn liền với đất.

Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo hướng giao bộ, cơ quan trung ương, HĐND cấp tỉnh quy định thẩm quyền phê duyệt Đề án để tăng tính chủ động cho bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong công tác quản lý TSC thuộc phạm vi quản lý của mình.

Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, các ý kiến đóng góp tại dự thảo đều rất hữu ích và đều là các khó khăn mà các bộ, cơ quan trung ương đang gặp phải.

“Cục Quản lý công sản đã ghi chép lại đầy đủ và sẽ nghiên cứu để hoàn thành dự thảo Luật một cách sớm nhất, trình Chính phủ ban hành để nhanh chóng khắc phục những bất cập này, giúp các bộ, cơ quan trung ương thuận lợi hơn trong việc quản lý, sử dụng TSC trong thời gian tới” – ông Thịnh nhấn mạnh.

Những quy định về hình thức xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là ngoại tệ, việc áp dụng hình thức bán, bổ sung hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật cũng được đặt ra tại dự thảo lần này.

Đồng thời, sửa đổi trình tự, thủ tục xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo hướng đơn giản hóa, giao trách nhiệm lập phương án cho đơn vị chủ trì xử lý tài sản. Sửa đổi quy định về tính khấu hao, hao mòn TSC tại đơn vị sự nghiệp công lập, TSKCHT; sửa đổi, bổ sung quy định về lập, phê duyệt Đề án khai thác TSKCHT và phương thức đối tượng được giao quản lý TSKCHT trực tiếp tổ chức khai thác tài sản.

Dự thảo Luật đề xuất bổ sung quy định các nội dung khác về quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất giữa các pháp luật.

Cần làm rõ và đưa thêm một số quy định

Sửa Luật để tập trung phân cấp, phân quyền triệt để tài sản công
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: H.T

Tại hội nghị, các đại biểu đến từ các bộ, cơ quan trung ương đều nhất trí với những quy định tại dự thảo Luật đưa ra và cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Luật là cần thiết. Đồng thời, các đại biểu đã đánh giá cao quy định về việc đẩy mạnh phân cấp, phần quyền trong quản lý, sử dụng TSC được đưa ra trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, cũng cần phải làm rõ và bổ sung thêm một số quy định để bảo đảm khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ TSC cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đơn cử như đại diện đến từ Kho bạc Nhà nước cho biết, trước đây tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được theo dõi trên báo cáo tài chính của DNNN, sau đó tổng hợp vào báo cáo tài chính nhà nước để báo cáo Chính phủ.

Tuy nhiên, sau khi DNNN cổ phần hóa, phần đất lại không được tính vào phần vốn của DNNN và sẽ chuyển sang cho thuê. Quy định này khiến DNNN không thể tính được giá trị quyền sử dụng đất, do đó, báo cáo tài chính nhà nước chưa phản ánh đầy đủ giá trị TSC. Trong khi đó, theo Luật Quản lý, sử dụng TSC, thì TSC của nhà nước đều được kế toán theo cả giá trị và hiện vật. Do đó, theo vị đại diện này, dự thảo cần phải nghiên cứu thêm nội dung này để Chính phủ điều hành TSC được chính xác.

Cho ý kiến tại hội nghị, đại diện đến từ Bộ Y tế cho rằng, nếu coi thuốc và vật tư tiêu hao là TSC thì phải thực hiện các quy định của Luật Quản lý, sử dụng TSC. Do đó, theo vị đại diện này, nên bỏ thuốc và vật tư tiêu hao ra khỏi danh mục TSC, còn nếu vẫn đưa vào danh mục thì cần phải có điều chỉnh riêng, cụ thể.

Đặc biệt về vấn đề liên doanh, liên kết ở đơn vị sự nghiệp công lập, đại diện đến từ Bộ Y tế cho biết, thực tế tại các bệnh viện, việc liên doanh, liên kết sẽ giúp cho việc huy động nguồn lực trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, cái vướng của các bệnh viện hiện nay là việc có được dùng đất của bệnh viện vào liên doanh liên kết không? Do đó, vị đại diện này đề nghị cho phép đơn vị sự nghiệp công lập được dùng quyền sử dụng đất vào liên doanh, liên kết.

Ngoài ra, theo đại diện đến từ Thanh tra Chính phủ, dự thảo Luật cần làm rõ thêm các khái niệm. Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng TSC hiện hành quy định, TSC bao gồm cả tài nguyên, tiền. Vậy Luật Quản lý, sử dụng TSC cần phải chặt chẽ và đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kế toán. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu và có thể đưa vào phạm vi điều chỉnh đối với lĩnh vực này…/.

Ngày 26/8, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (TSC) với 63 địa phương. Tại hội nghị này, các đại biểu cũng hoàn toàn đồng ý với các quy định sửa đổi, bổ sung được Cục Quản lý công sản đưa ra tại dự thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hiện nay.