Sửa đổi Nghị định 24 sẽ "đánh thức" nguồn lực đang chôn trong vàng Hết thời độc quyền vàng miếng, thị trường bước vào cuộc chơi mới Ngân hàng Nhà nước giải mã mức chênh lệch giá vàng nới rộng kỷ lục

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 quy định về hoạt động kinh doanh vàng hiện đang được Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định, để trình Chính phủ đúng thời hạn theo chỉ đạo.

Tranh luận ngưỡng vốn điều lệ tối thiểu

Dự thảo nghị định lần này có điểm mới đáng chú ý là bổ sung điều kiện cấp phép sản xuất vàng miếng đối với doanh nghiệp và ngân hàng thương mại khi đáp ứng đầy đủ 4 điều kiện.

Một là, có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Hai là, có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên đối với doanh nghiệp hoặc 50.000 tỷ đồng trở lên đối với ngân hàng thương mại.

Ba là, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng, hoặc bị xử phạt nhưng đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục hậu quả theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các kiến nghị có thời hạn thực hiện tại kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có). Bốn là, có quy trình nội bộ về sản xuất vàng miếng.

Theo số liệu trong hồ sơ thẩm định, tính đến cuối quý I/2025, cả nước có 38 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng. Khi đối chiếu với các quy định nêu trên tại dự thảo, chỉ có 3 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, gồm: SJC, PNJ và DOJI. Về phía ngân hàng, có 7 ngân hàng thương mại đáp ứng điều kiện vốn điều lệ trên 50.000 tỷ đồng, bao gồm 4 "ông lớn" quốc doanh: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, cùng 3 ngân hàng tư nhân: MB, VPBank và Techcombank.

Gửi ý kiến đến ban soạn thảo, Bộ Công thương đề nghị làm rõ tại sao lựa chọn mức vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng đối với doanh nghiệp; 50.000 tỷ đồng đối với tổ chức tín dụng. "Tại sao cùng một hoạt động sản xuất nhưng với loại hình doanh nghiệp khác nhau lại có chênh lệch mức vốn là 50 lần. Việc lựa chọn mức vốn này có dẫn đến chỉ lựa chọn một số đối tượng cụ thể hay không" - Bộ Công thương đặt vấn đề.

Bộ Công an cũng đề nghị đánh giá tình hình vốn điều lệ của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hiện đang hoạt động để đưa ra quy định phù hợp.

Riêng Bảo Tín Mạnh Hải góp ý thêm về việc bổ sung thêm các điều kiện về hiệu quả kinh doanh và kênh phân phối để bảo đảm sàng lọc được doanh nghiệp vừa có năng lực tài chính, kinh doanh hiệu quả và có kênh phân phối chủ động.

Ảnh minh hoạ

Vốn điều lệ doanh nghiệp được công khai, dễ kiểm soát

"Vốn điều lệ của doanh nghiệp là một trong những nội dung thể hiện tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan có thể tiếp cận thông tin để phục vụ công tác quản lý. Các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại được cấp phép sản xuất vàng miếng có trách nhiệm tuân thủ các quy định về kiểm toán định kỳ, công bố báo cáo tài chính theo quy định" - Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Phản hồi nội dung này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc xây dựng điều kiện cấp phép nhằm lựa chọn các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có đủ năng lực tài chính, tuân thủ pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng.

"Ngân hàng thương mại là loại hình doanh nghiệp đặc biệt và thường có quy mô vốn điều lệ cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, quy định điều kiện về vốn đối với ngân hàng thương mại cần phù hợp với đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này và không đặt trong tương quan với điều kiện về vốn đối với các doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mua, bán vàng" - Ngân hàng Nhà nước làm rõ.

Bên cạnh đó, theo ban soạn thảo, quy định về quy mô vốn điều lệ và kinh nghiệm hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là cơ sở cần thiết để doanh nghiệp, ngân hàng thương mại có thể bắt tay ngay vào hoạt động sản xuất vàng miếng khi được cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng.

Được phép thuê gia công sản xuất vàng miếng

Nhiều đơn vị cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ khái niệm hoạt động “sản xuất vàng miếng”, khi được cấp giấy phép có thể thuê/giao cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác để sản xuất ra vàng miếng và bên được cấp phép vẫn chịu trách nhiệm đối với việc sản xuất vàng miếng này. Đồng thời, đề xuất cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng sản xuất vàng miếng được thuê sản xuất, gia công vàng miếng ở nước ngoài.

Phản hồi về vấn đề này, theo Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại chịu hoàn toàn trách nhiệm về vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công và phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, khối lượng, hàm lượng vàng miếng do mình sản xuất, thuê gia công.

Theo đại diện DOJI và SJC, do liên quan đến hoạt động sản xuất, vì vậy ngoài các điều kiện về vốn, bắt buộc doanh nghiệp, tổ chức tín dụng phải có địa điểm, cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, công cụ cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tại điều kiện cấp phép tại Điều 11a không quy định về điều kiện cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị, công cụ. "Tổ chức được cấp phép tự tổ chức việc sản xuất hoặc nhập khẩu vàng miếng" - Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Về việc xem xét doanh nghiệp có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không, về phía các đơn vị như: MSB, VietinBank, PNJ cho rằng, chỉ nên tiến hành trong khoảng thời gian nhất định trước thời điểm xem xét cấp Giấy phép sản xuất vàng miếng, tránh trường hợp doanh nghiệp không được cấp Giấy phép chỉ vì từng bị xử phạt vi phạm hành chính trước đó nhiều năm.

Cùng chung quan điểm, TPBank và DOJI cùng kiến nghị bổ sung thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, ví dụ “trong thời hạn 3 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ xin cấp phép, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh vàng”.

Cùng với đó, việc đưa ra quy định “đã thực hiện xong các biện pháp khắc phục” có vẻ tạo điều kiện tháo gỡ cho doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tuy nhiên thực tế vận hành sẽ vướng mắc do chưa làm rõ thế nào là “thực hiện xong các biện pháp”, liệu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có được tự mình khẳng định rằng đã khắc phục xong, hay cần phải có ai đó, cơ quan có thẩm quyền xác định, quyết định. Tiếp thu ý kiến các đơn vị, ban soạn thảo bổ sung cụm từ "có thời hạn" vào quy định này./.