Giá vàng khép lại tháng 3 tăng sốc 11 triệu đồng/lượng, xác lập đỉnh cao mới Sửa đổi Nghị định 24 sẽ "đánh thức" nguồn lực đang chôn trong vàng Giá vàng hôm nay (7/5): Thế giới, vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt tăng sốc Thị trường tiền tệ tuần 14-18/4: Tỷ giá USD chợ đen dậy sóng, vàng tăng dựng đứng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng.

Không loại trừ việc thao túng giá

Theo NHNN, trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ các mức kỷ lục trước đó. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng mạnh được NHNN chỉ ra.

Thứ nhất, tình hình chính trị toàn cầu gia tăng bất ổn, xung đột quân sự và cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, điển hình như chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, dẫn đến các biện pháp trừng phạt và trả đũa lẫn nhau giữa Nga với Mỹ và các đồng minh; xung đột tại Trung Đông giữa Israel và một số quốc gia, lực lượng Hồi giáo.

Thứ hai, hoạt động mua vào mạnh mẽ của nhiều ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư nhằm bổ sung dự trữ ngoại hối.

Thứ ba, tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế cao đối ứng với nhiều quốc gia đã gây tâm lý lo ngại, tác động tiêu cực đến kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch sang vàng - tài sản được coi là kênh trú ẩn an toàn.

Ngân hàng Nhà nước giải mã mức chênh lệch giá vàng nới rộng kỷ lục
Ngân hàng Nhà nước giải mã mức chênh lệch giá vàng nới rộng kỷ lục. Ảnh: T.L.

Chênh lệch giá vàng ổn định trước khi tăng vọt cuối tháng 4/2025

"Nhờ các giải pháp điều hành đồng bộ, cho đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và giá vàng thế giới vẫn được kiểm soát trong biên độ hợp lý, dao động khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng (tương đương 5 - 7%), thậm chí có thời điểm đầu năm chỉ còn quanh mức 1 triệu đồng/lượng (1 - 2%). Tuy nhiên, đến ngày 23/4, mức chênh lệch này đã tăng lên đáng kể, đạt khoảng 14,48 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 13,62%)" - NHNN nêu rõ.

Trong nước, giá vàng miếng SJC nhìn chung diễn biến đồng chiều với xu hướng của giá vàng thế giới.

Theo NHNN, diễn biến tăng mạnh của giá vàng miếng trong nước, vượt tốc độ tăng của giá vàng thế giới, dẫn đến mức chênh lệch cao, chủ yếu xuất phát từ một số nguyên nhân.

Theo đó, tâm lý thị trường kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các yếu tố bất ổn như chính sách thuế của Chính quyền Tổng thống Trump, định hướng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình hình địa chính trị và biến động giá hàng hóa toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nhu cầu tích trữ vàng gia tăng.

"Nguồn cung vàng miếng trong nước không được bổ sung thêm kể từ đầu năm 2025, trong khi thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định, dẫn đến việc NHNN chưa cần thiết phải can thiệp thị trường. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng có một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình thị trường để đầu cơ, thao túng giá nhằm trục lợi" - NHNN nhận định.

Dù giá vàng trong nước tăng mạnh trong thời gian gần đây, nhưng theo đánh giá của NHNN, những biến động này chưa gây tác động đáng kể đến việc điều hành chính sách tiền tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) mới công bố cũng cho thấy, nhu cầu đầu tư vào vàng miếng và vàng xu tại các thị trường ASEAN trong quý I/2025 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, song Việt Nam lại là một ngoại lệ. Theo đánh giá của chuyên gia WGC, nhu cầu đầu tư vàng tại Việt Nam giảm 15% so với cùng kỳ, chủ yếu do nguồn cung các sản phẩm vàng bị hạn chế, khiến chênh lệch giá vàng bị đẩy lên cao. Bên cạnh đó, việc đồng nội tệ suy yếu cũng làm giá vàng tính theo USD tăng lên, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.

Thống kê của phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư cũng cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, giá bán vàng miếng SJC trong nước tăng tới 38 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 45%; trong khi giá vàng thế giới tăng tới 761 USD/ounce, tương ứng tăng 29%.

Ngày 7/5, giá vàng thế giới quy đổi tương đương 109,36 triệu đồng/lượng, thấp hơn 12,86 triệu đồng/lượng so với trong nước. Đáng chú ý, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng kể từ giữa tháng 4/2025, với mức cao nhất ghi nhận vào ngày 1/5, khi khoảng cách này vượt hơn 18 triệu đồng/lượng.

Thị trường vàng còn nhiều biến động, NHNN chủ động kiểm soát chặt

Theo nhận định của NHNN, thị trường vàng hiện vẫn chưa đạt được sự ổn định bền vững khi còn chịu tác động mạnh từ tâm lý và kỳ vọng của người dân cũng như nhà đầu tư, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và ngoại hối.

NHNN khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo ổn định thị trường vàng theo đúng thẩm quyền và mục tiêu điều hành.

Ngân hàng Nhà nước giải mã mức chênh lệch giá vàng nới rộng kỷ lục
Chiều ngày 21/4, giá vàng thế giới chạm đỉnh lịch sử 3.500 USD USD/ounce. Ảnh: T.L.

Thời gian qua, NHNN triển khai các giải pháp quản lý và điều tiết thị trường vàng theo đúng quy định, bảo đảm giá vàng không gây tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Cùng với đó, cơ quan này cũng nghiên cứu chính sách nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, tích trữ vàng, từ đó, khuyến khích chuyển hướng nguồn lực vào các hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế. Đồng thời, NHNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, kết hợp tăng cường các biện pháp phòng chống buôn lậu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, NHNN triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thị trường vàng, xử lý tình trạng chênh lệch ở mức cao giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, NHNN thực hiện cung vàng miếng ra thị trường thông qua đấu thầu bán vàng miếng và bán vàng miếng trực tiếp, giúp thu hẹp đáng kể chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới; đồng thời, NHNN phối hợp các bộ, ngành chức năng thanh tra hoạt động kinh doanh vàng của một số đơn vị, doanh nghiệp để từng bước chấn chỉnh hoạt động này.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang được triển khai, NHNN cho rằng, để đạt được mục tiêu ổn định thị trường vàng một cách căn cơ và lâu dài, cần có sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.

Hoàn thiện pháp lý, ổn định tâm lý thị trường

Trong thời gian tới, định hướng trọng tâm sẽ là tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về các chủ trương, chính sách và giải pháp điều hành thị trường vàng, qua đó góp phần ổn định tâm lý thị trường. Đồng thời, NHNN sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

"Bên cạnh đó, sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tài chính... để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng cũng như các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập hoặc vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp" - NHNN nhấn mạnh./.