Như “chim báo bão”

Luật Quy hoạch mang sứ mệnh như “chim báo bão” cho cuộc cách mạng chống lại lợi ích nhóm, bởi vậy, đây là luật khó nhất, nhiều kịch tính nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Thời kỳ đó, tất cả các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về luật này đều xảy ra các cuộc tranh luận rất căng thẳng giữa các bộ, ngành, địa phương nên không thể trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 5/2017, theo quy trình 2 kỳ họp như dự kiến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quy hoạch, ngày 9/3/2022.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai về quy hoạch, ngày 9/3/2022.

Thậm chí, chỉ còn 2 ngày nữa Luật Quy hoạch được trình Quốc hội bấm nút, vẫn có vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Và rồi, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 4, tháng 11/2017, với tỷ lệ hơn 88% số đại biểu tán thành, Luật Quy hoạch đã được thông qua. Nhiều vị đại biểu Quốc hội vẫn còn tiếc rằng lẽ ra, luật phải “cách mạng” hơn, sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quy hoạch phải ở mức cao hơn.

Luật Quy hoạch là khung pháp lý nhằm đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch theo phương pháp lập tích hợp đa ngành, bảo đảm sự nhất quán và tính hiệu quả thiết thực; từ đó giúp các cấp, các ngành quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích. Việc ban hành Luật Quy hoạch có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì đây là cơ sở pháp lý thống nhất cho việc xây dựng các quy hoạch của thời kỳ 2021 – 2030.

Tại Hà Nội, nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống...
Tại Hà Nội, nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống...

Sau hơn 3 năm, Luật Quy hoạch vẫn chỉ mang dấu hiệu của “chim báo bão” chứ chưa tạo ra được “cơn bão” thực sự nào tấn công vào thành trì của lợi ích nhóm, khi việc triển khai luật, đụng vào chỗ nào cũng chậm. Chẳng hạn, quy định về thời gian lập quy hoạch gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia hoàn thành không quá 30 tháng, tính từ ngày giao nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt. Trong đó, thời hạn lập hợp phần quy hoạch không quá 18 tháng đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch vùng. Nhưng đến nay, trong các quy hoạch tổng thể quốc gia duy nhất có mỗi quy hoạch sử dụng đất quốc gia, còn lại quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các loại quy hoạch ngành đều chưa có.

Cố tình không hiểu?

Tình hình thực tế nổi lên từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với 4 địa phương này ngày 9/3, cũng gói trong một chữ “chậm”. Tại Hà Nội, nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng, Sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ … Đặc biệt, việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng chỉ trong quá trình soạn thảo.

Phải giải trình đến cùng

“Cuộc giám sát lần này, chúng ta phải trả lời được cho nhân dân và cử tri cả nước biết được, việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch và tiến độ thực hiện cho đến nay chậm bao lâu, cái gì chậm, chậm ở đâu, trách nhiệm của bộ, ngành nào, đánh giá sơ bộ về chất lượng của các quy hoạch này như thế nào? Về danh mục những văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch, thời hạn hoàn thành theo quy định ra sao? Thực tế việc tổ chức biên soạn và ban hành các văn bản này như thế nào, kể cả về chất lượng, kể cả về tiến độ, làm rõ về những văn bản khi ban hành ra không những là không tạo điều kiện mà còn gây khó khăn hơn cho công tác lập quy hoạch. Phải cụ thể và cá biệt hóa trách nhiệm của cơ quan nào đối với vấn đề này, không thể nói chung chung. Yêu cầu giải trình đến cùng trước quốc dân đồng bào”. - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch các địa phương này thời kỳ 2021 - 2030 đều rất chậm. Đồng Nai hiện mới đang triển khai lập quy hoạch; TP. Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; còn Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch. Về phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030: TP. Hồ Chí Minh chưa báo cáo được cụ thể nội dung này còn Đồng Nai và Bình Dương thì báo cáo chung chung, chưa nêu kết quả đạt được, bất cập, nguyên nhân, trách nhiệm.

Những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai Luật Quy hoạch chậm được cơ quan chắp bút soạn thảo luật này gói gọn trong từ “phó mặc”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẵn sàng nhận trách nhiệm của bộ trong nhiệm vụ làm đầu mối quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, chịu trách nhiệm xây dựng dự án Luật Quy hoạch, các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan và các dự thảo nghị định, văn bản pháp luật liên quan nhằm triển khai Luật Quy hoạch… “Nhưng việc triển khai chậm, trước hết là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa quyết liệt, còn phó mặc cho tư vấn, phó mặc cho cấp dưới…" - ông Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư còn đặt ra câu hỏi trong khi thực hiện luật này của các bộ, ngành, địa phương rằng: “Tư duy không theo kịp, không tiếp cận được với phương pháp mới nên cứ lúng túng, hỏi đi hỏi lại. Nhiều vấn đề mặc dù luật đã rõ, nghị định đã rõ nhưng cứ bảo không hiểu, cứ kêu khó khăn, vướng mắc. Nhưng cứ nói thế thôi, khi hỏi cụ thể không hiểu chỗ nào, vướng chỗ nào thì lại không nói. Vậy không hiểu hay cố tình không hiểu?”.

Ra quân lật tìm lỗ hổng

Đồng thời với cuộc tấn công vào thành trì lợi ích nhóm, Quốc hội ra quân lật tìm các lỗ hổng trong phòng chống tham nhũng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Kế hoạch số 555 của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022.

Theo đó, có 4 nhiệm vụ: Nhiệm vụ 1 là chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Nhiệm vụ 2 là chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Nhiệm vụ 3 là chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực. Nhiệm vụ 4 là chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các báo cáo tổng hợp kết quả rà soát phải được hoàn thành chậm nhất là vào cuối tháng 12/2022. Nội dung báo cáo phải đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.