Bước tiến mạnh mẽ trong phân cấp, phân quyền về quy hoạch Rút ngắn 45% - 54% thời gian thực hiện điều chỉnh quy hoạch |
Nhiều nội dung sửa đổi cần thiết và đúng hướng
Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, các đại biểu Quốc hội đồng tình với nhiều nội dung mới trong dự thảo luật, qua đó khẳng định tính cấp thiết và đúng hướng của đề xuất sửa đổi, bổ sung do Chính phủ trình Quốc hội. Đồng thời, các đại biểu cũng phân tích về một số bất cập cần điều chỉnh.
Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật Quy hoạch là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những bất cập sau gần 5 năm thực thi. Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nhận định dự thảo đã có "nhiều điểm mới rất tích cực", đặc biệt là cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch, làm rõ vai trò của quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp sáp nhập đơn vị hành chính.
![]() |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) |
Việc dự thảo luật định hướng rà soát, tích hợp các loại quy hoạch có tính chất tương đồng cũng nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Một số nội dung mới trong dự thảo luật được các đại biểu hoan nghênh vì tính thực tiễn và hướng đến tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở. Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) nhất trí rằng, hệ thống quy hoạch hiện nay quá phức tạp, gây khó khăn cho quản lý và triển khai. Việc luật hóa nguyên tắc tích hợp, loại bỏ những quy hoạch trùng lặp là một bước đi đúng đắn và cần thiết.
Đồng tình với quy định cho phép rút gọn thủ tục điều chỉnh quy hoạch mà không cần đánh giá môi trường chiến lược, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề xuất mạnh dạn hơn nữa trong đơn giản hóa hành chính, như miễn lấy ý kiến cộng đồng với các điều chỉnh nhỏ trong khu công nghiệp nhằm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. |
Đặc biệt, nhiều đại biểu quan tâm đến nội dung phân cấp, phân quyền mạnh mẽ về quy hoạch tại dự thảo. Điều 34 quy định về thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch gồm Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng lần lượt phê duyệt quy hoạch tổng thể biển, sử dụng đất, ngành, vùng, tỉnh.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) kiến nghị điều chỉnh theo hướng phân cấp thêm cho tỉnh, không phải trình Thủ tướng cho phép chính quyền cấp địa phương phê duyệt quy hoạch phát triển chi tiết.
Đối với thẩm quyền của Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu đề nghị chỉ giữ quy định thẩm quyền đối với Quốc hội với các nội dung có tính chiến lược như phân vùng, biển, liên vùng lớn còn lại nên giao Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh đó, một số đại biểu như đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) và Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cũng nhấn mạnh tính "thận trọng", cần "bình tĩnh rà soát kỹ lưỡng" để không rơi vào tình trạng “vá víu”, tránh sửa luật theo kiểu đối phó. Đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính, nếu không điều chỉnh toàn diện thì các quy hoạch tỉnh hiện nay sẽ không còn phù hợp và gây ách tắc.
Một nội dung được nhiều đại biểu đồng tình là yêu cầu rút gọn hệ thống quy hoạch. Theo đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau), hiện mỗi địa phương có thể có tới 40 - 100 loại quy hoạch, tạo gánh nặng chi phí, gây đứt gãy chuỗi cung ứng và kìm hãm sáng tạo.
Đại biểu đề xuất cắt giảm xuống tối đa chỉ còn 6 loại quy hoạch, bỏ toàn bộ 70 quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác, tập trung vào các quy hoạch thiết yếu như an ninh - quốc phòng; rừng; giao thông đường bộ, đường sắt, bến cảng và sân bay.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) |
Tích hợp các quy hoạch để quản lý thống nhất và hiệu quả
Cùng quan điểm này, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị tích hợp các quy hoạch tương đồng như đường bộ, đường sắt, cảng biển, hàng không vào quy hoạch tổng thể quốc gia hoặc vùng, tùy theo quy mô. Việc rút gọn sẽ tạo điều kiện cho quản lý thống nhất và sử dụng hiệu quả nguồn lực.
Đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong công tác quy hoạch. Ông đề nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan có đủ năng lực được tự lập quy hoạch thay vì chỉ lựa chọn qua đấu thầu, đồng thời có tiêu chí đánh giá năng lực của tổ chức tư vấn.
Cùng với đó, đại biểu kiến nghị tích hợp các nội dung dự báo, phân tích xu hướng công nghệ mới vào quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông và đô thị hóa. Hồ sơ quy hoạch cần được số hóa, lưu trữ trên nền tảng công nghệ số quốc gia, vừa tiết kiệm chi phí, vừa phục vụ điều hành linh hoạt.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị quan tâm đến quy trình xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch. Dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ là người quyết định trong trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch ngành quốc gia. Đánh giá đây là phương án hợp lý nhưng đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy trình rõ ràng, minh bạch với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và Hội đồng chuyên gia độc lập nhằm hỗ trợ Thủ tướng có đủ căn cứ đưa ra quyết định cuối cùng. |
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) lưu ý về sự mâu thuẫn giữa các quy định trong dự thảo luật liên quan đến thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch. Dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thì có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, nhưng Khoản 23 quy định việc này thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định nêu trên, nhằm đảm bảo tính thống nhất.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) đề xuất bỏ quy hoạch vùng khỏi hệ thống độc lập và sáp nhập vào định hướng quốc gia để tránh tầng lớp trung gian cồng kềnh. Theo đại biểu, quy định quy hoạch cấp dưới bắt buộc điều chỉnh nếu mâu thuẫn với cấp trên là cứng nhắc, làm chậm tiến độ quy hoạch cấp dưới , đề nghị thay bằng cơ chế linh hoạt, định kỳ cập nhật.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cơ cấu lại Hội đồng thẩm định theo hướng chuyên nghiệp hóa, giữ vai trò phản biện thay vì quyết định, giao cơ quan kỹ thuật thực hiện chuyên môn. Về thẩm quyền phê duyệt, đại biểu đề xuất phân cấp mạnh hơn cho địa phương, đồng thời chuyển toàn bộ công tác lập kế hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch lên hệ thống số hóa quốc gia.