Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 28/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình cụ thể về những vấn đề đại biểu quan tâm, cũng là những nội dung trọng tâm của lần sửa đổi Luật này.
Sửa Luật Quy hoạch là yêu cầu cấp thiết, không thể trì hoãn
Bộ trưởng cho biết, theo kế hoạch lập pháp ban đầu, Luật Quy hoạch sẽ được sửa đổi một cách tổng thể, đồng bộ trong thời gian tới. Tuy nhiên, do yêu cầu từ thực tiễn, đặc biệt là để kịp thời thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo Kết luận số 121 và 127 của Bộ Chính trị, việc sửa đổi một số nội dung cấp thiết của luật là không thể chậm trễ.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội. |
Việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này tuy chưa tổng thể nhưng là bước đi mang tính nền tảng, nhằm xử lý ngay các vấn đề bức thiết đang cản trở hoạt động của các địa phương. Đây cũng là bước chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt sửa đổi toàn diện và căn cơ hơn trong thời gian tới, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. |
Nếu không kịp sửa trước ngày 1/7, thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, thì các địa phương sẽ không thể triển khai điều chỉnh quy hoạch, kéo theo hệ lụy là hàng loạt dự án đầu tư phát triển không thể tiến hành. Đây là lý do Chính phủ buộc phải trình Quốc hội sửa gấp một số điều khoản trọng yếu, trong khi việc sửa tổng thể sẽ tiếp tục được chuẩn bị và trình sau.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tập trung vào ba nội dung cốt lõi.
Trước hết là tạo điều kiện cho việc điều chỉnh quy hoạch ở tất cả các cấp ngay sau khi việc sắp xếp các đơn vị hành chính có hiệu lực. Các quy hoạch hiện hành vẫn được tiếp tục triển khai cho tới khi quy hoạch mới chính thức được phê duyệt, nhằm bảo đảm tính liên tục trong quản lý nhà nước.
Thứ hai, Luật lần này đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, trao thêm thẩm quyền và tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, bộ, ngành trong việc lập, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch. Bởi, nếu tiếp tục áp dụng quy định hiện hành, mọi thay đổi dù nhỏ ở địa phương cũng phải trình lên cấp trung ương, gây ách tắc, chậm trễ trong triển khai dự án.
Trước một số ý kiến đại biểu băn khoăn việc phân cấp từ Quốc hội cho Chính phủ, từ Chính phủ cho Bộ có đảm bảo khách quan hay không, Bộ trưởng khẳng định “đây là tình huống bắt buộc chúng ta phải làm, còn nếu vẫn theo quy trình và trình lên đến Chính phủ, trình Quốc hội thì không biết đến bao giờ địa phương mới làm được”. Vì thế, chúng ta buộc phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Bộ trưởng giải thích.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên họp Quốc hội sáng 28/5. |
Nội dung thứ ba, việc sửa luật lần này nhằm gỡ ngay các vướng mắc thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các địa phương triển khai các dự án trọng điểm, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và phấn đấu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026–2030.
Dù chỉ sửa đổi một phần, nhưng Bộ trưởng nhấn mạnh đây là bước sửa có tính “nền móng” để mở đường cho đợt sửa đổi toàn diện sắp tới. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, từ khi ban hành đến nay, Luật Quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt là xung đột giữa các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành và hệ thống quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh.
Do đó, dự thảo lần này đưa tạm thời 28 loại quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành vào hệ thống để đảm bảo tính đồng bộ và giải quyết mâu thuẫn. Tuy nhiên, về lâu dài, theo Bộ trưởng, khi sửa Luật tổng thể cần rà soát, loại bỏ những loại quy hoạch chuyên ngành không còn cần thiết, không thể để nhiều như hiện nay.
Phân cấp mạnh mẽ, thủ tục đơn giản
Một vấn đề quan trọng nữa trong dự thảo Luật sửa đổi lần này được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho 34 địa phương vận hành thông suốt, triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà không bị “vướng” khi thu hút doanh nghiệp đầu tư, thu hút các dự án.
Tinh thần là phân cấp mạnh mẽ và phân quyền tối đa theo định hướng “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”, gắn với triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ trưởng nêu rõ.
Theo đó, nhiều thẩm quyền trước đây thuộc Quốc hội sẽ được chuyển giao cho Chính phủ, như quyền quyết định phân vùng lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia…
![]() |
Đại biểu Nguyễn Quang Huân phát biểu |
Có ý kiến đại biểu băn khoăn về liệu việc này có vượt thẩm quyền của Quốc hội trong quyết định quy hoạch. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình cho biết, hiện Quốc hội có thẩm quyền quyết định quy hoạch quốc gia, trong đó bao gồm cả quy hoạch về không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất. Do đó, về tổng thể Quốc hội vẫn kiểm soát nội dung này. Hiện nay, để điều chỉnh về quy hoạch không gian biển hay quy hoạch đất quốc gia, Chính phủ phải trình Quốc hội, mà Quốc hội mỗi năm chỉ họp hai kỳ. Do đó Chính phủ đề xuất phân cấp để đảm bảo linh hoạt, kịp thời trong điều hành.
Cùng với đó, dự thảo phân cấp thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch cho các bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh. Việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp Hội đồng thẩm định hoặc là lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản. Bộ trưởng, trưởng ngành được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND thông qua để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Những điều chỉnh này giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả điều hành ở các cấp.
Song song với phân cấp, dự thảo luật cũng thực hiện đơn giản hóa mạnh mẽ thủ tục hành chính trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Cụ thể, các bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch và xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch đều được loại bỏ.
Nhờ vậy, thời gian thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch sẽ giảm khoảng 45 – 54% so với trình tự hiện hành.
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên họp. |
Đáng chú ý, dự thảo lần này ghi nhận vai trò của chính quyền cấp xã, tuy không có thẩm quyền ban hành quy hoạch, nhưng lại là đơn vị trực tiếp tổ chức triển khai. Vì vậy, dự thảo luật quy định bắt buộc lấy ý kiến cấp xã trong quá trình lập và điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo tính thực tiễn và khả năng thi hành. |
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm xử lý mâu thuẫn giữa các quy hoạch – vốn là điểm nghẽn lâu nay trong thực tiễn. Trong trường hợp quy hoạch do các cơ quan khác nhau lập có mâu thuẫn, cơ quan cấp trên như Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định quy hoạch nào cần điều chỉnh. Với các quy hoạch do cùng một cơ quan lập, chính cơ quan đó sẽ chịu trách nhiệm giải quyết.
Về nội dung quy hoạch, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, kế hoạch tỉnh chỉ bao gồm những quy định mang tính khung định hướng và có tính mở để kiến tạo và mở rộng không gian phát triển. Nội dung chi tiết sẽ được thể hiện tại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành. Nội dung cụ thể của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ được quy định tại nghị định để tạo sự linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nên tạm dừng Luật Quy hoạch để chờ sửa tổng thể, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ quan điểm dứt khoát: “Không thể dừng được”. Một quốc gia phải có luật, phải có quy hoạch. Dừng lại sẽ gây hỗn loạn, làm gián đoạn điều hành từ Trung ương đến địa phương.
Bộ trưởng cũng dẫn chứng rằng, như Luật Đấu thầu, dù còn những điểm chưa phù hợp, nhưng vẫn là luật cần thiết và phổ biến ở tất cả các quốc gia. Điều quan trọng là phải cầu thị, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới, chứ không thể bỏ hoặc ngừng Luật.