Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh nội dung này tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội chiều 10/5 về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương
Phát biểu tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc sửa đổi lần này thực hiện trong thời gian rất gấp theo yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, liên quan đến những vấn đề thể chế cấp bách phải được sửa đổi ngay.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại tổ chiều 10/5. Ảnh: Phạm Thắng |
Đánh giá chung, các đại biểu đồng tình cao với việc sửa đổi Luật để kịp thời đáp ứng yêu cầu sắp xếp bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và xử lý các vấn đề cấp bách từ thực tiễn. Đặc biệt, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật làm rõ các quy định để tháo gỡ điểm nghẽn, sự chồng lấn, mâu thuẫn trong công tác quy hoạch đã được nhiều địa phương phản ánh trong thời gian qua. |
Việc sửa đổi Luật trước hết nhằm điều chỉnh ngay các quy hoạch ở tất cả các cấp sau khi việc sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực. Theo đó, tất cả các địa phương (bao gồm cả 11 tỉnh, thành phố không sáp nhập) sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi có quyết định sáp nhập về đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực, dự kiến từ mùng 1/7.
“Luật Quy hoạch phải sửa ngay mới đáp ứng được, nếu không sẽ tắc hết khi sáp nhập mà các quy hoạch không được điều chỉnh”, Bộ trưởng nêu rõ.
Mục tiêu thứ hai là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tự chủ động sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành, theo như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Ngoài ra, thực tiễn quá trình triển khai quy hoạch vừa qua đã phát sinh một số vấn đề cấn thiết phải xử lý ngay.
Trong các nội dung này, Bộ trưởng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho các địa phương, vấn đề nhiều đại biểu cũng quan tâm.
Đại diện cơ quan soạn thảo cho hay, Luật đã quy định phân quyền của Quốc hội cho Chính phủ đối với phân vùng, lập quy hoạch vùng; phân quyền quyết định quy định không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia từ Quốc hội sang Chính phủ; phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ để tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia; phân cấp cho các bộ tổ chức thẩm định quy hoạch ngành quốc gia; UBND tỉnh tổ chức thẩm định quy hoạch tỉnh.
“Như vậy, các quy định đã thoáng hơn rất nhiều”, Bộ trưởng khẳng định.
Luật mới phân cấp cho Bộ trưởng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia. Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được HĐND tỉnh thông qua để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Luật cũng bổ sung quy định về Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định để tạo cơ chế cho Chủ nhiệm Hội đồng thẩm định ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì phiên họp thẩm định. Từ đó tăng cường sự chủ động, linh hoạt trong quá trình thẩm định.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Luật đã phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương. Ảnh: Phạm Thắng |
Xử lý chồng chéo giữa các quy hoạch cùng cấp, quy định lập đồng thời quy hoạch
Về nội dung quy hoạch, để tạo sự chủ động, linh hoạt trong triển khai quy hoạch, Luật sửa đổi theo hướng là nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ mang tính chất khung, định hướng. Nội dung chi tiết sẽ được thể hiện tại các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để tránh sự chồng chéo trong thời gian vừa qua.
Nội dung quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quy định cụ thể tại Nghị định để tạo sự linh hoạt trong triển khai và đảm bảo tính ổn định của văn bản luật.
Luật cũng chuyển quy định về danh mục dự kiến của các dự án trọng điểm, dự án quan trọng, dự án ưu tiên đầu tư cho quy hoạch sang kế hoạch thực hiện quy hoạch và phân cấp cho Bộ để ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia. UBND cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. |
Về quy định lập đồng thời các quy hoạch và xử lý những mâu thuẫn của các quy hoạch, Bộ trưởng cho biết Luật đã bổ sung các quy định để đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và đẩy mạnh việc triển khai các dự án, tạo động lực phát triển cho các địa phương mà không phải chờ quy hoạch cấp trên được quyết định và phê duyệt.
Theo đó, kế thừa Nghị quyết số 61 của Quốc hội, Luật đã bổ sung quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch cấp quốc gia, phân vùng, quy hoạch tỉnh được phép lập đồng thời.
Đây là vấn đề đã từng rất vướng khi triển khai Luật Quy hoạch 2019. Bởi theo quy định, quy hoạch cấp trên làm xong mới đến quy hoạch cấp dưới và từ đó dẫn đến ách tắc. Vì vậy, Quốc hội đã phải ban hành Nghị quyết cho phép khi các quy hoạch cấp trên chưa thể điều chỉnh ngay thì cấp tỉnh vẫn làm bình thường, quy hoạch chi tiết của các dự án sau này sẽ được cập nhật vào quy hoạch cấp trên.
“Ai làm ở địa phương, nhất là giai đoạn Luật Quy hoạch, thì mới thấy nếu không có Nghị quyết của Quốc hội thì tắc hết. Nên lần này Bộ Tài chính đã rất chủ động trong việc này để không xảy ra vướng mắc như trước đây”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Một vấn đề nữa rất quan trọng được quy định tại dự thảo Luật là xử lý mâu thuẫn chồng lấn giữa các quy hoạch, kể cả vấn đề khó nhất hiện nay là chồng lấn giữa các quy hoạch cùng cấp.
Bộ trưởng nêu ví dụ, có những tuyến đường đã có quy hoạch giao thông nhưng lại chồng lấn với quy hoạch khoáng sản. Quy hoạch của Bộ Tài nguyên và môi trường chồng lấn với và quy hoạch của Bộ Công thương. Vậy ai điều chỉnh quy hoạch của ai?
Hiện nay, các trường hợp cụ thể như vậy sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để phân định, nhưng vẫn không triệt để. Do đó, Luật đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về quan hệ giữa quy hoạch và tính chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng trường hợp có mâu thuẫn thì cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định quy hoạch phải điều chỉnh.
“Chính phủ sẽ có Nghị định để hướng dẫn với những nguyên tắc, tiêu chí để trường hợp hai quy hoạch cùng cấp chồng lấn, mâu thuẫn thì ai phải điều chỉnh, điều chỉnh thế nào”, Bộ trưởng cho hay./.