Tăng tốc đến bến đỗ Việt Nam
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồ họa: Văn Chung

Không ngừng đạp gió rẽ sóng

“Không ngừng đạp gió rẽ sóng” là cụm từ được nhắc đến trong một bài viết trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khi nhấn mạnh đến “con tàu” quan hệ Trung - Việt vững bước tiến về phía trước.

Trong bài viết của mình, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh đến việc Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu.

Thời khắc quan trọng

Cùng với các nhà đầu tư Trung Quốc đang hối hả “đáp” bến đỗ Việt Nam, các “đại bàng” từ khắp nơi cũng muốn tìm đến nơi đây. NVIDIA (Hoa Kỳ) - tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới, với giá trị thị trường gần 1.200 tỷ USD, mong muốn thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Tháng 9/2023, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm trụ sở NVIDIA, mời Chủ tịch NVIDIA Jensen Huang thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Đáp lại lời mời của Thủ tướng, tháng 12/2023, ông Jensen Huang đến Việt Nam và bày tỏ với người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rằng, Việt Nam đang đứng trước thời khắc quan trọng trong quá trình phát triển.

Nếu thành công trên con sóng bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam sẽ thành công trong những khâu, lĩnh vực quan trọng nhất của công nghiệp, công nghệ.

Theo bài viết này, hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam như rau quả rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Nguyên liệu và thiết bị máy móc do Trung Quốc xuất khẩu đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành chế tạo Việt Nam.

Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt hành khách, tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Hà Nội. Chuyến tàu liên vận quốc tế Trung Quốc - Việt Nam vận hành thuận lợi, cửa khẩu thông minh được khởi động xây dựng, kết nối các cặp cửa khẩu biên giới trên bộ được đẩy nhanh. Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam...

Còn theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2023, số vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hong Kong vào Việt Nam cộng lại đã tăng tới 8,2 tỷ USD, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Còn số đã đầu tư vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 là 3,96 tỷ USD, đứng thứ 4 trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Từ một quốc gia không có tên trong top 10 quốc gia đầu tư vào Việt Nam những năm 2010 trở về trước, FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể về cả quy mô lẫn hình thức và vị trí xếp hạng ngày càng cao.

Cùng tạo dựng phồn vinh

Thực tế của chuyển động không ngừng đạp gió rẽ sóng “con tàu” Việt - Trung, chỉ nhìn từ đầu năm 2023 đến nay cũng thấy, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đã tăng cường khảo sát đầu tư tại các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Tăng tốc đến bến đỗ Việt Nam
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Ảnh minh họa

Có thể kể đến như: Tập đoàn Wingtech - nhà lắp ráp điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, cam kết sẽ tiếp tục khảo sát và lựa chọn đầu tư tại tỉnh Phú Thọ. Tập đoàn Goertek Trung Quốc vừa đầu tư thêm một dự án mới, với vốn đầu tư 280 triệu USD và mở rộng một dự án đang hoạt động tại tỉnh Bắc Ninh.

Hai nhà sản xuất pin và hệ thống lưu trữ năng lượng hàng đầu Trung Quốc dự kiến đầu tư hơn 1 tỷ USD xây dựng nhà máy mới và mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ lưu trữ năng lượng Hithium có kế hoạch đầu tư khoảng 900 triệu USD vào một nhà máy ở tỉnh Hải Dương và Tập đoàn Growatt New Energy đang mở rộng nhà máy tại thành phố cảng Hải Phòng, với số vốn ước tính 300 triệu USD.

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng vào tháng 6/2023, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc như: Hong Tian Zhu - Chủ tịch Tập đoàn Texhong; Song Hailiang - Chủ tịch Tập đoàn Energy China; Jiang Bin - Chủ tịch Tập đoàn Goertek… đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam. Họ đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...

Và vào đầu tháng 12, tại Phiên họp lần thứ 15, Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã nhất trí tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường; tiếp tục áp dụng các biện pháp hiệu quả, thực chất để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững, lành mạnh

Trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong những quốc gia có vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Còn nếu tính trong khoảng thời gian 15 năm qua thì đầu tư của Trung Quốc đại lục vào Việt Nam tăng hơn 10 lần, từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên mức 25 tỷ USD hiện nay. Và cái đích của những chuyển động “đạp gió rẽ sóng”, như lời trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: “cùng mong muốn hợp tác phát triển, cùng tạo dựng phồn vinh giàu mạnh”.

Rau quả tỷ đô

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.

Việc ký kết nghị định thư về xuất khẩu dưa hấu là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam. Đến nay Việt Nam có 6 loại trái cây, nông sản xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư sang Trung Quốc gồm măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối, khoai lang, dưa hấu.

Như đối với sầu riêng, sau khi được ký nghị định thư, thì xuất khẩu loại quả này đã tăng gấp 10 lần. Từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm. Tháng 7/2022, nghị định thư được ký đưa xuất khẩu sầu riêng năm 2022 sang Trung Quốc đạt 420 triệu USD. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,3 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2022 và tăng gấp 10 lần so với năm 2021.

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã mang về cho Việt Nam 3,4 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc. Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile.