Bình luận về những thông tin ban đầu về thỏa thuận thương mại sơ bộ Việt Nam - Hoa Kỳ được Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump chia sẻ, TS. Chu Thanh Tuấn- Phó chủ nhiệm nhóm ngành Cử nhân Kinh doanh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, thỏa thuận sơ bộ này là một bước đi mang tính chiến lược, được tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro và duy trì ổn định thương mại.

Thỏa thuận thương mại sơ bộ Việt Nam - Hoa Kỳ tạo khoảng đệm để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng
Thỏa thuận thương mại sơ bộ Việt Nam- Hoa Kỳ tạo khoảng đệm để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng

Ông nhận định, Việt Nam đã giảm thiểu được rủi ro thương mại, điều mà nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ khiến chuỗi cung ứng đứt gãy và hàng loạt hợp đồng xuất khẩu bị hủy. Dù mức thuế 20% là cao hơn thông lệ, nhưng đây là một kết quả thỏa hiệp tích cực trong bối cảnh áp lực chính trị và thương mại quốc tế leo thang.

Tối 2/7, chỉ vài giờ sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đăng trên mạng xã hội Truth Social thông báo rằng, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ. Theo đó, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ sẽ chịu mức thuế 20%; những mặt hàng bị coi là “trung chuyển” – tức có nguồn gốc từ nước thứ 3 – sẽ bị áp thuế 40%. Đổi lại, Việt Nam đồng ý miễn thuế hoàn toàn cho hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia và báo chí quốc tế, với thỏa thuận này, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 3 đạt được thỏa thuận thương mại sơ bộ với Hoa Kỳ trong đợt đàm phán lần này, sau Vương quốc Anh và Trung Quốc.

Đánh giá ban đầu về những lĩnh vực sẽ chịu ảnh hưởng, TS. Tuấn cho biết, không phải tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng như nhau. Một số lĩnh vực như dệt may và giày dép – vốn đã quen với mức thuế tối huệ quốc (MFN) 10-20% – có thể hấp thụ thêm chi phí. Các doanh nghiệp lớn như Vinatex, TNG hay An Phước với mạng lưới khách hàng đa dạng và khả năng đàm phán tốt có thể thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí thuế với đối tác Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn hoạt động với biên lợi nhuận mỏng và phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì đơn hàng và lợi nhuận.

Ngành điện tử – đặc biệt là các nhà máy linh kiện và lắp ráp cho những tập đoàn lớn như Samsung, Apple hay LG – hiện vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù thuế suất 20% có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng trong thời gian qua vẫn giúp Việt Nam giữ được vị thế hấp dẫn với dòng vốn FDI công nghệ cao. Nhiều tập đoàn đã thiết lập hệ sinh thái sản xuất ổn định tại Việt Nam và khó có khả năng rút đi chỉ vì biến động thuế ngắn hạn.

Ngược lại, các ngành như đồ gỗ nội thất, thủy sản (tôm, cá tra), nhựa gia dụng, xe đạp và thiết bị công nghiệp nhẹ có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn. Những ngành này trước đây được hưởng mức thuế rất thấp khi vào thị trường Hoa Kỳ – việc tăng lên 20% khiến lợi thế cạnh tranh không còn. Đặc biệt khi so với các nước được hưởng ưu đãi thuế qua hiệp định như Mexico (USMCA) hoặc các đối thủ mạnh như Ấn Độ và Ecuador. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần nỗ lực gấp nhiều lần để giữ chân khách hàng.

Lưu ý với doanh nghiệp

Theo TS. Chu Thanh Tuấn, thỏa thuận này là một bước đi mang tính chiến lược, được tính toán kỹ lưỡng để giảm thiểu rủi ro và duy trì ổn định thương mại. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng đây mới chỉ là tuyên bố chính trị, chưa có bất kỳ văn bản pháp lý song phương chính thức nào được công bố. Điều này đồng nghĩa với việc các chi tiết kỹ thuật như quy tắc xuất xứ, cơ chế kiểm tra và tiêu chí phân biệt giữa hàng Việt Nam thực thụ và hàng “trung chuyển” vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Thỏa thuận thương mại sơ bộ Việt Nam- Hoa Kỳ tạo khoảng đệm để doanh nghiệp chuẩn bị và thích ứng
Các doanh nghiệp dệt may lớn có thể thương lượng lại giá để chia sẻ chi phí thuế với đối tác Hoa Kỳ. Ảnh minh họa

Một trong những điểm mấu chốt là mức thuế 40% đối với hàng bị coi là “trung chuyển”. Theo các hiệp định như USMCA (Hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada) hay CAFTA (Hiệp định thương mại tự do Cộng hòa Dominica- Trung Mỹ- Hoa Kỳ), Hoa Kỳ thường yêu cầu sản phẩm phải có tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa từ 35-45% mới được công nhận là có xuất xứ hợp lệ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không chứng minh được tỷ lệ này, sản phẩm có thể bị xem như xuất khẩu “giả danh” từ nước thứ 3 và phải chịu mức thuế cao hơn.

Trước thực tế đó, vị chuyên gia Đại học RMIT khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần rà soát lại toàn bộ chuỗi cung ứng, đầu tư mạnh hơn vào khâu nội địa hóa, minh bạch hóa quy trình sản xuất.

Đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (CO), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn. Ông cũng lưu ý rằng Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) có quyền thực hiện hậu kiểm bất kỳ lúc nào, kể cả tại nhà máy sản xuất – do đó số hóa hồ sơ và quản trị minh bạch là yêu cầu bắt buộc.

Về chiến lược thương mại toàn diện, các khuyến nghị trọng tâm cho doanh nghiệp Việt Nam được TS. Tuấn đưa ra bao gồm: đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh nội địa hóa và kiểm soát chất lượng chuỗi cung ứng; số hóa toàn bộ hồ sơ chứng từ để sẵn sàng cho hậu kiểm; chủ động thương lượng với khách hàng Hoa Kỳ về giá cả, thời gian giao hàng và chia sẻ chi phí thuế quan.

Dù vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng, ông cho rằng thỏa thuận lần này là “khoảng đệm” quý giá, giúp Việt Nam tránh được cú sốc thuế quan 46% và mở ra thời gian để các doanh nghiệp tái cấu trúc chuỗi cung ứng, kiểm soát rủi ro về xuất xứ và nâng cao năng lực cạnh tranh dài hạn.

“Nếu tận dụng tốt khoảng thời gian này, Việt Nam vẫn có thể bước vào kỷ nguyên thương mại mới với vị thế vững vàng hơn” - TS. Tuấn nêu quan điểm

Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/7, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã công bố mức thuế quan đối ứng áp lên ít nhất 14 quốc gia từ ngày 1/8 tới. Theo đó, hàng hóa vào Hoa Kỳ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ bị áp thuế quan 25%. Hàng từ Nam Phi và Bosnia bị đánh thuế 30%; hàng Indonesia bị áp thuế 32%. Mức thuế đối với Bangladesh và Serbia đều là 35%, trong khi Campuchia và Thái Lan chịu thuế 36%. Lào và Myanmar chung mức thuế 40%.