bh

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm khi được ban hành kỳ vọng sẽ tăng “chất” cho thị trường bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm được tăng tính tự chủ

Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, tập trung sửa đổi, thể chế hóa 7 nhóm chính sách lớn. Trong đó, dự thảo luật mở rộng đối tượng áp dụng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ, nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm, phân loại các loại hình bảo hiểm thành 4 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và các nghiệp vụ bảo hiểm khác do Chính phủ quy định tùy từng thời kỳ, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này.

Không làm thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngành bảo hiểm

Các chuyên gia SSI Research cho rằng, với những thay đổi về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). Do đó, điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.

Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung các quy định mới nhằm nâng cao quản trị điều hành của doanh nghiệp.

Đánh giá về các điểm mới của dự thảo luật, các chuyên gia của Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này là một bước tiến tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

Các chuyên gia của SSI Research cũng đã chỉ ra nhiều hướng dẫn mới để hỗ trợ sự thay đổi về vai trò của cơ quan lý và các công ty bảo hiểm.

Theo đó, tại Điều 7 của dự thảo nêu rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, Điều 96 cũng nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về khung năng lực, tiêu chuẩn, hướng dẫn việc thực hiện các chức năng: đề xuất mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro và một vài khía cạnh khác (Điều 163).

Như vậy, “các cơ quan quản lý hiện sẽ giám sát các công ty bảo hiểm về mặt mô hình hơn là đi sâu về kỹ thuật và từng sản phẩm riêng lẻ như trước” – chuyên gia SSI Research nhận xét.

Yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm

Cũng theo dự thảo, các cơ quan quản lý sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 5).

Theo đó, dự thảo luật lần này bổ sung 1 mục mới bao gồm 4 Điều (từ Điều 121 đến Điều 124) về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có danh mục dịch vụ liên quan đến bảo hiểm được thực hiện toàn bộ hoặc một phần qua môi trường mạng. Theo chuyên gia của SSI Research, hướng dẫn chung này và các quy định liên quan tiếp theo sẽ rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các công ty bảo hiểm công nghệ (Insurtech) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

Dự thảo sửa đổi yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro doanh nghiệp trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán. Hiện tại, chỉ có một số công ty bảo hiểm công bố biên khả năng thanh toán trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 8/2021, một số chỉ tiêu báo cáo về thị trường bảo hiểm của Việt Nam vẫn cho thấy sự tích cực, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ tới thị trường bảo hiểm.

Theo đó, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 643.588 tỷ đồng (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 102.222 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 541.366 tỷ đồng.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 133.040 tỷ đồng (tăng 16,96% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 38.092 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 94.948 tỷ đồng.

Qua 8 tháng năm 2021, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 34.398 tỷ đồng (tăng 12,70% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 13.590 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 20.808 tỷ đồng.

Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.

Duy Thái