Tập trung nguồn lực để phát triển TP. Hồ Chí Minh thành đô thị carbon thấp
TP. Hồ Chí Minh bước đầu tính toán kiểm soát khí thải xe máy.

Thực trạng

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, trên địa bàn thành phố hiện có 140 cơ sở lớn trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, công thương cần thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, mọi hoạt động vẫn dừng ở trên giấy, còn lượng khí thải gia tăng từng ngày.

Nghiên cứu của Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính năm 2019 của TP.Hồ Chí Minh là trên 58 triệu tấn CO2. Trong đó, hoạt động công nghiệp phát thải hơn 17,6 triệu tấn CO2. Những ngành có lượng phát thải cao là hóa học (chiếm 63%), dệt may (16,1%), sản xuất kim loại (14,7%)... Các hoạt động giao thông đường bộ phát thải hơn 13,4 triệu tấn CO2, riêng xe máy là phương tiện xả khí thải lớn nhất - chiếm gần 63%.

Ông Nguyễn Tín Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), dẫn một báo cáo của Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản cho thấy, mức tiêu thụ điện đến năm 2030 của TP. Hồ Chí Minh ước khoảng 14 tỷ kWh, tương đương mức phát thải gần 12 triệu tấn CO2. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, đã và đang tác động đến nhiều mặt đời sống, phát triển kinh tế của thành phố.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải khí nhà kính, con số này sẽ tăng lên 30% nếu có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố cũng đã và đang hợp tác với các tổ chức C40 (Mạng lưới các thành phố lớn cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản để thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Để triển khai kế hoạch đô thị carbon thấp ở TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2022, thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thành lập Nhóm công tác chung giữa thành phố và WB về sự phát triển toàn diện và bền vững. Nhóm công tác chung có 8 nhóm kỹ thuật để tập trung xây dựng 8 đề án thành phần, trong đó có Nhóm phát thải carbon thấp.

Cụ thể, khuyến nghị và đề xuất hành động cần thiết nhằm đạt mục tiêu phát triển của thành phố trong lĩnh vực phát thải carbon thấp; đề xuất chương trình đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên; đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về chính sách với các bộ, ngành trung ương và tổ chức kêu gọi hỗ trợ vốn, kỹ thuật từ WB và các đối tác để triển khai kế hoạch carbon thấp. Nhóm phát thải carbon thấp đang làm việc để điều chỉnh các biện pháp khuyến khích, phương pháp tiếp cận nhằm ưu tiên các hoạt động có tác động cao nhất với chi phí hiệu quả nhất có thể.

"Để triển khai các giải pháp hiệu quả cần phải có sự liên kết toàn diện giữa các cá thể, đơn vị với nhau. Từ đó, tạo ra chuỗi liên kết vòng tròn - tuần hoàn đem lại đa giá trị".

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nêu ví dụ, thành phố đã đầu tư phát triển tuyến metro, tuy nhiên để khuyến khích người dân tham gia phương tiện này thì đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban ngành. Theo đó, Sở Giao thông vận tải phải có giải pháp phát triển các phương tiện khác kết nối sao cho thuận tiện nhất, có giải pháp tuyên truyền, khuyến khích người dân hạn chế xe cá nhân, hướng đến các phương tiện công cộng; đồng thời cần có những quy hoạch các tuyến đường phụ trợ hợp lý để kết nối…

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, với quy định của Bộ Tài nguyên – Môi trường, TP. Hồ Chí Minh phải tuân thủ kiểm kê, cắt giảm khí nhà kính trong 5 lĩnh vực, bao gồm: sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động sản xuất nông nghiệp, xử lý chất thải. Để có thể giảm khí nhà kính tiến tới phát triển đô thị carbon thấp, thành phố cần có những giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể, có sự tham gia đồng bộ của các đơn vị, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm. Chẳng hạn, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp cần áp dụng, triển khai giải pháp sản xuất sạch hơn, sản xuất xanh để tiết kiệm nguyên vật liệu, điện, nước và đẩy mạnh tái chế chất thải.

Đối với lĩnh vực năng lượng, phải chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong lĩnh vực giao thông vận tải cần đẩy mạnh kiểm soát khí thải các phương tiện giao thông, phát triển xe điện... Trong nông nghiệp, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đẩy mạnh tái chế chất thải, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp làm phân bón hữu cơ... Đối với xử lý chất thải đô thị cần đầu tư các công nghệ tiên tiến, hiện đại để tiến tới việc đốt rác phát điện. Tuy nhiên, thành phố nên xác định lĩnh vực nào phát thải nhiều nhất thì tập trung nguồn lực thực hiện trước, nếu dàn trải sẽ không hiệu quả.

Ngày 9-3, xe buýt điện chính thức lăn bánh trong TP.HCM - Ảnh 1.
Xây dựng kế hoạch đưa TP. Hồ Chí Minh thành đô thị carbon thấp.

Theo ước tính của các tổ chức môi trường quốc tế, mỗi năm, thế giới có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và kế sinh nhai do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia bắt đầu xem xét đến việc tính toán lượng khí thải. “Hiện nay, biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách và nghiêm trọng nhất. Do vậy, việc tăng cường các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính cần phải được triển khai mạnh mẽ hơn” - ông Nguyễn Tín Huy Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (thuộc VCCI).