Tháo gỡ điểm nghẽn, đảm bảo sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả
Nguồn lực đất đai góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Hướng dẫn luật hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế

Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), thời gian qua, cùng với chính sách tài chính đất đai nói chung, chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã từng bước được thể chế hoá theo nguyên tắc thị trường, minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, có hiệu quả, từng bước hạn chế đầu cơ, hạn chế sử dụng đất đai lãng phí; góp phần định hướng và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển.

Thu về đất chiếm tỷ trọng đáng kể

Chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là một bộ phận của chính sách tài chính đất đai. Nhờ chính sách tài chính về đất đai năm 2013 mà nguồn thu từ đất tăng dần qua các năm, tạo nguồn lực cho địa phương phát triển. Đặc biệt, nguồn thu từ đất chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thu ngân sách nhà nước (năm 2013 chiếm 7,86% tổng thu, năm 2022 là 17% tổng thu).

Tuy nhiên, cũng qua quá trình thực hiện, các văn bản quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hướng dẫn Luật Đất đai năm 2013 (Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, Nghị định số 46/2014/NĐ-CP, Nghị định số 135/2016/NĐ-CP, Nghị định số 123/2017/NĐ-CP) đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Để rà soát, tổng hợp việc thực hiện chính sách thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài chính đã có công văn (số 8335/BTC-QLCS ngày 28/7/2021) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đánh giá tình hình thực hiện các chính sách về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và kiến nghị, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung các chính sách này.

Ông Thịnh cho biết, báo cáo của các địa phương cho thấy có phát sinh một số vướng mắc liên quan đến thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Bộ Tài chính đã tổng hợp, đánh giá và có các văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trong quá trình xây dựng Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời, Bộ Tài chính nhận thấy rằng cần thiết hoàn thiện (thay thế các nghị định hướng dẫn Luật Đất đai 2013) để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện các nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế mới, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo huy động hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng đất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều quy định mới phù hợp với thực tiễn hiện nay

Bà Nguyễn Thị Thoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, nhằm cụ thể hóa các quy định tại Luật Đất đai năm 2024 liên quan đến tính, thu, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo nghị định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Dự thảo này được xây dựng theo các nguyên tắc: bám sát những nội dung tài chính về đất đai mà Luật Đất đai trực tiếp giao cho Chính phủ quy định hoặc hướng dẫn; tổng hợp vướng mắc trên thực tiễn trong thời gian vừa qua để quy định xử lý trong nghị định, bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 và quy định của pháp luật có liên quan; kế thừa những quy định của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất (theo Luật Đất đai năm 2013) đang thực hiện ổn định, phù hợp.

Cũng theo bà Thoa, một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo nghị định là các quy định về miễn, giảm tiền thuê đất. Theo đó, dự thảo đã thiết kế các mức giảm tiền thuê đất theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, cơ bản tương đồng với mức quy định hiện hành. Bên cạnh đó, dự thảo quy định chung về các mức ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, chứ không xây dựng ưu đãi riêng.

Về trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bà Thoa cho biết, tại khoản 3 Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 quy định trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn. Người sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Vì vậy, để đảm bảo giám sát việc thực hiện điều kiện để được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định; đảm bảo việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đúng đối tượng, tránh thất thu ngân sách nhà nước; đảm bảo hiệu quả của chính sách ưu đãi của nhà nước…, tại dự thảo nghị định quy định việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được ghi trong quyết định cho thuê đất.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc tính số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giảm, trình UBND cùng cấp quyết định thu hồi số tiền sử dụng đất được giảm do mình thực hiện. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thống kê, tổng hợp các trường hợp được miễn tiền thuê đất.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan tài nguyên và môi trường định kỳ kiểm tra, rà soát, xác định việc đáp ứng các điều kiện về ưu đãi miễn tiền thuê đất; nếu phát hiện người đã được miễn tiền thuê đất không đáp ứng điều kiện để được miễn tiền thuê đất thì phải báo cáo UBND cùng cấp quyết định thu hồi việc miễn tiền thuê đất.

Đồng thời, cơ quan tài nguyên môi trường phải chuyển thông tin cho cơ quan thuế để phối hợp tính, thu, nộp số tiền thuê đất phải nộp (không được miễn) theo chính sách và giá đất tại thời điểm có quyết định cho thuê đất và khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu đầy đủ

Ngày 17/4/2024, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Chủ trì hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024, trong đó có những nội dung đổi mới liên quan đến chính sách tài chính về đất đai. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 222/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai, trong đó, giao Bộ Tài chính có chủ trì xây dựng nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Hiện, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình Chính phủ. Dự thảo nghị định gồm có 5 chương, 54 điều, trên cơ sở ghép 2 chính sách về thu tiền sử dụng đất và thu tiền thuê đất vào một nghị định.

Cũng theo Thứ trưởng, đây là chính sách khó, tác động diện rộng nên mong muốn các bộ, ngành, địa phương đưa ra các ý kiến đóng góp sâu, rộng giúp Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự thảo nghị định với chất lượng tốt nhất để trình Chính phủ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến cụ thể vào dự thảo nghị định. Đa số các đại biểu đều cho rằng, các quy định tại dự thảo đã tháo gỡ một số điểm nghẽn vướng mắc đặt ra trong quá trình thực hiện các nghị định hiện hành về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất.

Điển hình như quy định về việc miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, dự thảo đã quy định các thủ tục được rút gọn theo hướng cơ quan quản lý không cần ban hành quyết định miễn, giảm nhằm đơn giản hóa việc thực hiện…

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, cũng cho biết, là đơn vị chuyên môn được giao soạn thảo dự thảo nghị định, các ý kiến góp ý tại hội nghị sẽ được cục tiếp thu đầy đủ, giúp sớm hoàn thiện dự thảo với chất lượng tốt nhất để trình Chính phủ xem xét ban hành vào thời gian sớm nhất.