Tháo gỡ điểm nghẽn để nuôi biển Việt Nam phát triển
Quang cảnh cuộc tọa đàm.

Trong khuôn khổ Hội nghị "Phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh" tổ chức ngày 1/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì buổi tọa đàm "Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thuỷ sản trên biển".

7 điểm nghẽn trong nuôi biển

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong lĩnh vực biển và kinh tế biển cũng đã chỉ rõ, phân tích một số điểm nghẽn ảnh hưởng đến phát triển bền vững nuôi biển tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng; đồng thời gợi mở, định hướng một số giải pháp để khai thác tốt tiềm năng và giải quyết thách thức phục vụ phát triển nuôi biển bền vững.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ.

Đặc biệt, cần phải có những chiến lược để phát huy những thế mạnh sẵn có và mang lại những giá trị to lớn, vì vậy đặt ra những giải pháp để tận dụng, khai thác tốt tiềm năng và giải quyết thách thức để phát triển nuôi biển bền vững.

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, diện tích vùng biển Việt Nam có trên 1 triệu km2, trong khi đó diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Tính đến năm 2022, diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt hơn 256.000ha, sản lượng đạt gần 750.000 tấn; năm 2023, sản lượng có thể đạt gần 800.000 tấn. Hiện, 55 cơ sở được cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, 9.763 lồng bè được cấp mã số.

Ông Luân cho rằng, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển nhưng đến nay do một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhiều cơ sở nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt chưa có quy hoạch không gian biển dẫn đến người dân chưa được giao khu vực biển dẫn đến nuôi biển chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế tự nhiên vốn có.

Với định hướng phát triển bền vững, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển bước đầu được hình thành như: hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ…

Trình bày tham luận tháo gỡ một số điểm nghẽn nuôi biển, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam cho rằng, có 7 điểm nghẽn mà các cơ quan quản lý nhà nước đang nợ cộng đồng những người nuôi biển.

Thứ nhất, Việt Nam đang thiếu quy hoạch không gian biển. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, nếu không sớm ban hành thì các địa phương rất khó trong vấn đề quy hoạch nuôi biển.

Thứ hai, thủ tục cấp phép nuôi biển, thủ tục giao biển hiện còn rất phức tạp, đây là điểm nghẽn rất lớn bởi vì nếu không giao biển lâu dài thì doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân không thể yên tâm đầu tư, hơn bao giờ hết người nuôi biển đang “cần một tấc biển để cắm dùi”.

Thứ ba, hiện nay đang còn thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nuôi biển. Để phát triển ngành hàng nuôi biển bền vững thì đây là yếu tố cần thiết làm cơ sở cho phát triển sản xuất.

Thứ tư là chưa có cơ quan đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển. Thứ năm là chưa có bảo hiểm cho hoạt động nuôi biển. Thứ sáu, chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển. Thứ bảy là thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển.

"Bảy điểm nghẽn này chủ yếu thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nói nghiêm túc, các cơ quan quản lý nhà nước đang nợ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nuôi biển chính sách tháo gỡ những điểm nghẽn này"- ông Dũng nói.

Tháo gỡ điểm nghẽn để nuôi biển Việt Nam phát triển
Trao giấy chứng nhận nuôi biển cho 6 hợp tác xã dịch vụ nuôi trồng thủy sản đầu tiên ở Vân Đồn (Quảng Ninh).

Quảng Ninh là điểm sáng trong giải quyết cơ bản các điểm nghẽn

Tại cuộc tọa đàm, PGS. TS Chu Hồi - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã gợi mở, tham vấn một số giải pháp tháo gỡ vướng mắc để giúp tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung nâng tầm nuôi biển trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề cần có quy hoạch cụ thể, chiến lược rõ ràng hơn và cần có thêm các chính sách hợp lý cả ngắn và dài hạn để tạo ra các lực kéo; phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh từ biển mang lại trong hoạt động nuôi biển, hướng tới phát triển lâu dài.

Trong quá trình triển khai, cần tập trung ưu tiên đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho khoa học công nghệ; chú trọng bảo vệ môi trường; định hướng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân…

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Dũng, trong bối cảnh nuôi biển ở các địa phương còn đang khó khăn, vướng mắc thì mô hình, cách làm ở tỉnh Quảng Ninh chính là điểm sáng đã giải quyết cơ bản các điểm nghẽn.

"Nuôi biển nằm trong tổng thể 3 trụ cột phát triển kinh tế thủy sản, đó là: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển… nó vừa là kinh tế độc lập, nó tạo ra sự hài hòa trong kinh tế biển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản"- Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

Đại diện các tổ chức quốc tế đã và đang có hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về phát triển nông nghiệp, trong đó có phát triển nuôi biển cũng đưa ra một số khuyến nghị để ngành nuôi biển phát triển bền vững.

Ông Rémi Nono Womdim - Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đã nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tất cả các khâu, các bước, các nội dung của nuôi biển. Từ hạ tầng, nguồn giống, khoa học công nghệ, kỹ thuật nuôi, đến chế biến sản phẩm, xuất nhập khẩu, hình thành chuỗi giá trị từ sức mạnh tập thể…

Kết luận tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, từ hội nghị này, Bộ NN&PTNT ghi nhận, tổng hợp các vướng mắc, nhanh chóng cùng các bộ, ngành kiến nghị với Chính phủ bàn biện pháp, giải pháp tháo gỡ.

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thúc đẩy nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu về khoa học, công nghệ để có các mô hình nuôi trồng công nghệ cao, chế biến sâu; nỗ lực xây dựng hệ sinh thái nuôi biển bền vững dựa trên sự kết nối mật thiết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp; các viện, trường, đối tác, chuyên gia quốc tế, các tổ chức nghề nghiệp của người nuôi biển...

Trong đó, Quảng Ninh sẽ trở thành một địa điểm đổi mới sáng tạo của ngành nuôi biển. Thủy sản sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Điều này sẽ trở thành hiện thực khi có sự quyết tâm hành động của lãnh đạo tỉnh, ngành chuyên môn; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp; sự đồng thuận của người dân.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển nuôi biển giai đoạn 2024 - 2025 giữa tỉnh Quảng Ninh với 7 đơn vị, gồm 4 viện nghiên cứu và 3 doanh nghiệp và lễ trao giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho 6 doanh nghiệp, hợp tác xã. Đây là một cố gắng tích cực trong thời gian ngắn qua và khẳng định các thủ tục hành chính đã được tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan rút gọn, đơn giản hóa về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển.