Nguồn: Bộ Tài chính  Đồ hoạ: Hồng Vân

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ hoạ: Hồng Vân

Nhiều ý kiến đề nghị cần triệt để tiết kiệm chi tiêu hơn nữa, thậm chí đề nghị, Chính phủ cần ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên trong cả giai đoạn tới, đảm bảo chi phòng dịch, chi đầu tư phát triển. Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm này.

Tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng

Ngay từ thời điểm năm 2020, khi bắt đầu dịch Covid-19, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm do tác động của thiên tai, dịch bệnh, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cụ thể như: Chính phủ công khai, minh bạch trong phân bổ dự toán NSNN; sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ chi theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bảo đảm nguyên tắc chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi cần thiết và có nguồn lực đảm bảo; điều hành chi đầu tư gắn với tiến độ nguồn thu.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương (đã tiết kiệm khoảng 2,9 nghìn tỷ đồng); cắt giảm kinh phí hội nghị, công tác phí, tiết kiệm thêm chi thường xuyên chưa cần thiết, cấp bách (ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao).

Trong những tháng cuối năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí (khoảng 1 nghìn tỷ đồng) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm, ước khoảng 6,4 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương có kết quả tốt trong tiết kiệm chi thường xuyên như: thành phố Hà Nội 1.077,6 tỷ đồng, Thanh Hoá 1.301,9 tỷ đồng, Bình Dương 678 tỷ đồng, Đồng Nai 498,2 tỷ đồng, Đắk Lắk 377,8 tỷ đồng, Nghệ An 307,79 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 256,7 tỷ đồng, Bắc Giang 273,6 tỷ đồng...

Giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021- 2025, cần tính toán đảm bảo cho chi phòng dịch, chi đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng chi đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia. Cần giảm hơn nữa chi thường xuyên để dành nguồn cho chi đầu tư phát triển bằng các biện pháp như tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm.

Đối với ngân sách trung ương (NSTW), tổng số tiết kiệm chi của năm 2020 là 12,1 nghìn tỷ đồng, gồm: tiết kiệm chi trả nợ lãi 10,6 nghìn tỷ đồng; tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và 10% kinh phí thường xuyên khác của các bộ, cơ quan trung ương là 1,5 nghìn tỷ đồng. Nhờ nguồn tiết kiệm này, NSTW đã chi 12,1 nghìn tỷ đồng này để mua vắc-xin phòng chống Covid-19.

Tiết kiệm các khoản chi không cần thiết, các khoản đã tiết kiệm rồi lại tiết kiệm thêm đã mang lại hiệu quả tích cực, có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay. Nhờ đó, đã góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020; đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội; quốc phòng, an ninh; quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn.

Mục tiêu giảm hơn nữa chi thường xuyên

Tuy nhiên, từ ngày 28/4, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến thu NSNN có dấu hiệu giảm xuống. Theo đó, tháng 5/2021, thu NSNN giảm khoảng 40 nghìn tỷ đồng, tháng 6/2021 thu ngân sách giảm 14 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Tháng 7 cũng không ngoại lệ. Nguồn thu sụt giảm sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt ảnh hưởng đến chi ngân sách.

Mới đây, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về 3 kế hoạch lớn của giai đoạn 2021 - 2025, đó là: Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, Kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này.

Để thực hiện các kế hoạch lớn này, quan trọng nhất là huy động được nguồn tiền. Tổng thu của cả giai đoạn (2021 - 2025) khoảng 8,3 triệu tỷ đồng, cao hơn 1,2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020. Theo các đại biểu Quốc hội, Chính phủ cần phải có cơ chế để khuyến khích để nhiều tỉnh tự cân đối được ngân sách. Hiện nay mới có 16 tỉnh, thành phố tự cân đối được và có điều tiết về cho ngân sách trung ương, còn lại hầu hết các tỉnh chưa cân đối được ngân sách.

Liên quan đến chi ngân sách, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cơ cấu lại tỷ lệ chi thường xuyên và chi đầu tư cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi hiện nay chi thường xuyên mức còn cao 62 - 63% tổng chi. Đại biểu đề nghị phấn đấu giảm còn 60%.

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần ban hành chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi thường xuyên giai đoạn 2021 - 2025, cần tính toán đảm bảo cho chi phòng dịch, chi đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng chi đầu tư cho công trình trọng điểm quốc gia. Cần giảm hơn nữa chi thường xuyên để dành nguồn cho chi đầu tư phát triển bằng các biện pháp như tinh giản bộ máy, nâng cao năng lực, đẩy mạnh tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm.

Phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, song song với các chính sách hỗ trợ, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% chi hội họp công tác phí, hội nghị... Đồng thời, Chính phủ có giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả; quản lý tốt thị trường chứng khoán bảo hiểm, tiền tệ; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình điều hành. Đây là các giải pháp tiếp tục được Bộ Tài chính ưu tiên thực hiện trong thời gian tới, đảm bảo nhiệm vụ thu - chi NSNN, theo mục tiêu đề ra.

“Tiết kiệm sẵn có đồng tiền, phòng khi túng nhỡ không phiền lụy ai”

Câu nói đó trở nên hết sức ý nghĩa trong bối cảnh thực hiện giải bài toán ngân sách hiện nay. Do cơ cấu hiệu quả NSNN, chúng ta đã có nguồn để xoay xở khi dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện, làm thay đổi tất cả những dự định ban đầu của chúng ta. Nếu không có một chút “của ăn của để”, chúng ta sẽ phải vất vả hơn rất nhiều khi đồng thời phải thực hiện nhiều khoản chi tiêu không có trong dự toán, trong khi nguồn thu ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Trả lời phỏng vấn TBTCVN, nhiều vị đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với ngành Tài chính trong bối cảnh hiện nay. Đề xuất tăng thu bất kỳ một khoản gì, cũng đều vấp phải sự không đồng tình, trong khi nguồn thu giảm do dịch bệnh, do doanh nghiệp gặp khó. Đó là chưa kể phải giảm thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp; các khoản hỗ trợ cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...

Khi đó, chỉ còn phương án siết giảm các khoản chi không cần thiết, tiết kiệm chi tiêu. Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cũng đồng tình cho rằng, vẫn phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu thường xuyên. Các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện dự toán, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng, chỉ tăng chi cho an sinh xã hội, chi phòng chống dịch Covid-19, thiên tai bão lũ.

“Về ngân sách tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tiết kiệm các khoản chi. Đây là những nỗ lực mà chúng tôi thấy rằng chúng ta cần phải tiếp tục phát huy trong giai đoạn tới” - đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Thực tế, thời điểm cuối năm ngoái, Quốc hội đã quyết định thông qua dự toán NSNN năm 2021 với nhiều chỉ tiêu quan trọng, trong đó quyết định tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, là một quyết sách đúng đắn. Tất nhiên, đây cũng là thử thách đối với các đơn vị sử dụng ngân sách, song chỉ có như vậy, mới tiến tới một bước cân đối lại NSNN.

Minh Anh