Thế mới, lực mới, vị thế mới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, sáng ngày 19/12/2023. Ảnh: TL

Làm nên bởi chữ “đồng”

Thông tin từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 diễn ra ngày 19/12 cho thấy, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa mới được bổ sung vào nhóm này trong quý IV/2023), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác đến thăm Việt Nam được đánh giá là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử.

Phép mầu của gặp gỡ

Kinh tế các địa phương đã có được những “phép mầu” đến từ sự gặp gỡ. Trong 3 năm qua, các địa phương đã ký 422 thỏa thuận hợp tác với các đối tác quốc tế; riêng xuất khẩu của 5 địa phương gồm TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Hải Phòng năm 2023 đã vượt tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cách đây 10 năm.

Nhiều hoạt động kết nối sôi động giữa các nước, các thị trường chủ chốt của Việt Nam với các địa phương được tổ chức trong hai năm 2022 và 2023 như các sự kiện Gặp gỡ Hàn Quốc (tại Thanh Hóa, 24-25/3/2022; Bình Định, 13-14/5/2022, Bắc Ninh, 17-18/5/2023); Gặp gỡ châu Âu (tại TP. Hồ Chí Minh, 28-30/11/2022); Gặp gỡ Nhật Bản 2023 (tại Bình Định, 7/7/2023; Bình Dương, 9/9/2023; Hà Nội, 2/11/2023); Gặp gỡ Thái Lan (tại Quảng Trị, 4/8/2023); Gặp gỡ Canada (tại TP. Hồ Chí Minh, 21/8/2023)… Trong khuôn khổ các sự kiện, đã có hàng nghìn cuộc kết nối giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp và đối tác quốc tế.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 nhìn lại quá trình gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác đối ngoại. Phát biểu tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại.

Công tác đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, thương mại thế giới, kinh tế nước ta vẫn là một điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng màu của kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của Việt Nam vượt 400 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Để duy trì các thành tựu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Sự nghiệp làm nên bởi chữ Đồng” và yêu cầu luôn luôn phải quan tâm xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Thế mới, lực mới, vị thế mới

Tre xanh tự ngàn xưa

Vào tháng 1 năm 2021, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ cho công tác đối ngoại là “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; đồng thời đóng góp vào phong trào đấu tranh chung của các lực lượng tiến bộ trên thế giới”.

Đại hội xác định: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Gần 3 năm qua, thế giới rơi vào hàng loạt vòng xoáy của bất ổn khó lường. Đại dịch Covid-19 kéo dài đến đầu năm 2023. Xung đột Nga - Ukraine sang tháng thứ 16, chưa có hồi kết. Đối đầu giữa Nga và phương Tây lên đỉnh điểm với 11 đợt trừng phạt và một số hiệp ước kiểm soát vũ khí tấn công chiến lược và lực lượng quân sự bị hủy bỏ. Xu hướng “đa cực, đa trung tâm” ngày càng rõ. Thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng. Chuỗi cung ứng, sản xuất bị chia cắt, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái…

Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam vẫn vươn xa bởi sức bật mãnh liệt mang tên “ngoại giao cây tre”, loài cây “xanh tự ngàn xưa”- như ý trong bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Duy: “Tre Việt Nam”. Trường phái đối ngoại, ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được tổ chức vào ngày 14/12/2021 đã thống nhất cao khẳng định về sự hình thành, phát triển của Trường phái đối ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”: Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

LỰC HẤP DẪN MẠNH MẼ

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: “Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường với những vấn đề nảy sinh chưa từng có tiền lệ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại được chỉ ra trong Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 34 của Bộ Chính trị về định hướng, chủ trương triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII; gắn tư tưởng ngoại giao cây tre Việt Nam, gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng...

Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Giang Huy

Hợp tác quốc phòng song phương và đa phương đã góp phần củng cố tin cậy chiến lược, giữ thế cân bằng trong quan hệ đối ngoại, nhất là đối với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các nước đối tác khác; từ đó thúc đẩy xu thế hòa bình, hóa giải xung đột góp phần bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an: “Bản sắc “ngoại giao cây tre” đã tiếp tục được khẳng định, phát huy, tạo ra những bước ngoặt mang tính lịch sử, thay đổi về chất trong quan hệ với các nước lớn. Đóng góp chung vào thành tựu đối ngoại, đối ngoại công an nhân dân (CAND) tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Việt Nam.

Thế mới, lực mới, vị thế mới

Thực hiện có hiệu quả các phương châm đi trước mở đường, mắt tinh tai thính, không để bị động bất ngờ, công tác đối ngoại CAND được triển khai trên 5 hướng, trong đó, tập trung hóa giải nghi kỵ, củng cố niềm tin chiến lược, tạo thuận lợi, mở rộng quan hệ đối ngoại trên nhiều lĩnh vực.

Lực lượng CAND tập trung cao độ với những đổi mới cao nhất với yêu cầu bên trong yên bình vững chãi thuận lợi, là lực hấp dẫn để thu hút mạnh mẽ đối tác đến làm ăn với Việt Nam”.